Không thể thờ ơ
Tính tới hết tháng 10, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra, phát hiện hơn 54.000 vụ vi phạm hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ. Trong đó, xử lý gần 16.400 vụ, phạt hành chính hơn 520 tỷ đồng.
- 30-11-2015Khi “người quen” làm hàng giả, nhái
- 26-11-2015Kinh tế Việt chịu hậu quả nặng của hàng nhái, hàng giả, hàng lậu
- 24-12-2014Cận tết, hàng giả, hàng lậu tung hoành
- 27-11-2011Ngại chống hàng giả vì sợ… mất mặt
Cơ quan chức năng nhận định, không chỉ trên địa bàn Hà Nội mà thời gian gần đây tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, tình trạng vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ diễn biến phức tạp.
Trên thực tế, việc hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ “tung hoành” không có gì mới. Vài ba năm trước, một trong những lý do cơ bản được đưa ra giải thích cho tình trạng này là bản thân DN có sản phẩm bị làm giả, vi phạm sở hữu trí tuệ cũng thờ ơ, thiếu chủ động trong phối hợp giải quyết với các cơ quan chức năng.
Tại Hội nghị tập huấn công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả diễn ra tại Hà Nội cuối tháng 7, vấn đề được xới lại. Nhiều sản phẩm so chính DN Việt Nam sản xuất bị làm giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, song DN vẫn thờ ơ. Phần lớn DN làm ăn chân chính ngại chống hàng giả bởi lo lắng thông tin hàng hóa bị làm giả sẽ ảnh hưởng đến thị trường.
Không lâu sau, vào cuối tháng 11, khi Hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Hà Nội phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội tổ chức Hội thảo “Chống hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ thương hiệu trong hội nhập Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN và Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương”, “nguồn cơn” được nhiều chuyên gia đưa ra để làm rõ cho tình trạng hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ bày bán nhan nhản vẫn không có gì mới, chủ yếu do các DN chưa quan tâm đến vấn đề sở hữu trí tuệ, bảo vệ thương hiệu DN.
Dễ thấy, khi hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ “lộng hành”, hàng thật lép vế thì DN sẽ chịu nhiều thua thiệt. Thậm chí, tình trạng này kéo dài có thể khiến DN lao đao, phá sản. Khi hội nhập kinh tế sâu rộng, sự cạnh tranh gay gắt hơn, xây dựng và bảo vệ thương hiệu lại càng là yếu tố quan trọng giúp DN phát triển.
Trong bối cảnh đó, dù có xuất phát từ lý do gì đi nữa, sự thỏa hiệp, thờ ơ của DN trong “cuộc chiến” chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ đều là điều khó chấp nhận. Đã tới lúc, để góp phần tự cứu mình, DN không thể tiếp tục giữ thái độ bàng quan, thờ ơ nữa.
Ở những góc độ khác, một số chuyên gia cho rằng để tạo sự ràng buộc, trong hệ thống luật pháp hiện hành cũng cần có quy định về trách nhiệm thực thi chống hàng giả và hợp tác chống hàng giả của các DN, tránh tình trạng DN né tránh hợp tác chống hàng giả của chính mình.