Kinh tế 6 tháng cuối năm: Cẩn trọng với nhập siêu
Nhập siêu cùng với xu hướng rút vốn khỏi các nền kinh tế đang phát triển sẽ đòi hỏi nỗ lực hơn để đạt mục tiêu ổn định tỷ giá từ nay đến cuối năm 2015 cũng như trong năm 2016.
- 01-07-2015Tại sao “con bệnh” nhập siêu vẫn là nguy cơ lớn?
- 26-05-2015Tổng cục Thống kê: Nhập siêu 5 tháng đầu năm ước khoảng 3 tỷ USD
- 16-05-2015Tỷ giá căng vì ẩn số giá dầu, nhập siêu?
Đây là lưu ý của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGSTCQG) khi phân tích và dự báo về tình hình kinh tế vĩ mô 6 tháng cuối năm 2015.
Cụ thể, cơ quan này đã dẫn chứng số liệu tính chung 6 tháng đầu năm 2015, nhập siêu ước tính 3,75 tỷ USD, tương đương 4,8% kim ngạch xuất khẩu; trong đó, khu vực FDI xuất siêu 6,07 tỷ USD, khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu 9,83 tỷ USD.
Nhập siêu tăng do cả xuất khẩu tăng chậm và nhập khẩu tăng nhanh. Tính riêng 5 tháng đầu năm 2015, tốc độ tăng xuất khẩu (so với cùng kỳ) chưa bằng một nửa cùng kỳ 2014 (7,3% so với 15,4%).
Kim ngạch xuất khẩu của nhóm các mặt hàng thống kê cả về giá trị và lượng đã giảm 0,22% so với cùng kỳ 2014, chủ yếu do yếu tố giá khi giá xuất khẩu bình quân của các mặt hàng trên đã giảm 1,3%.
Trong khi đó, tốc độ tăng nhập khẩu (so với cùng kỳ) 5 tháng/2015 lại cao gấp rưỡi so với cùng kỳ 2014 (15,8% so với 9,6%).
Nhập khẩu tăng chủ yếu do tăng nhập các mặt hàng phục vụ sản xuất như: Điện tử, máy tính, linh kiện tăng 36,9%; máy móc thiết bị, dụng cụ, phương tiện khác tăng 35,9%; sản phẩm chất dẻo tăng 21,5%; nguyên phụ liệu dệt may, giày dép tăng 12,8%.
Điều này cho thấy nhập siêu tăng vừa do giá hàng hóa thế giới giảm vừa do cơ cấu kinh tế phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên vật liệu sản xuất.
Cơ quan này còn cho rằng, nhập siêu cùng với xu hướng rút vốn khỏi các nền kinh tế đang phát triển sẽ đòi hỏi nỗ lực hơn để đạt mục tiêu ổn định tỷ giá từ nay đến cuối năm 2015 cũng như trong năm 2016.
Ngân hàng Thế giới - World Bank dự báo tỷ lệ vốn đầu tư (trực tiếp và gián tiếp)/GDP vào các nước đang phát triển sẽ giảm từ 5,4% năm 2014 xuống còn 5,1% và 5% tương ứng trong năm 2015 và 2016.
Bên cạnh đó, Ủy ban Giám sát cũng lưu ý thêm về tình hình thu NSNN tăng chậm hơn cùng kỳ 2014.
Lũy kế đến ngày 15/06 tổng thu NSNN tăng 7,8% so với cùng kỳ (cùng kỳ 2014 tăng 16,2%). Nguyên nhân khiến thu ngân sách tháng đầu năm tăng chậm là do:
Thứ nhất, thu từ dầu thô lũy kế 15/6 chỉ đạt 35% dự toán, giảm 32,5% so với cùng kỳ; do giá dầu thanh toán bình quân vẫn ở mức thấp;
Thứ hai, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu chỉ tăng 4,1% so với cùng kỳ 2014 (cùng kỳ 2014 tăng 29,6%); do kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng có thuế suất cao tăng chậm so với cùng kỳ 2014.
Thêm vào đó, kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ gặp khó khăn. Tính đến 17/6, phát hành trái phiếu KBNN chỉ đạt 71.950 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ năm 2014; mới hoàn thành 20% kế hoạch quý 2 và chưa đạt được 1/3 kế hoạch cả năm 2015. Lợi suất TPCP có xu hướng tăng kể từ tháng 3/2015.