Kinh tế thị trường đầy đủ mới hội nhập thành công
GS. TS Nguyễn Quang Thái, Phó Tổng thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cho rằng, đã là kinh tế thị trường (KTTT) thì phải là KTTT đích thực, hiện đại và hội nhập...
- 12-03-2015Giá xăng, dầu, điện tăng và những tác động đến nền kinh tế
- 09-03-2015Tin kinh tế 9/3: Tăng giá điện, doanh nghiệp sẽ gặp khó
- 27-02-2015Kinh tế Việt Nam năm 2015: Vươn tầm cao mới
Trò chuyện với Tiền Phong về dự thảo định nghĩa mới về kinh tế thị trường (KTTT) định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN), GS. TS Nguyễn Quang Thái, Phó Tổng thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cho rằng, đã là KTTT thì phải là KTTT đích thực, hiện đại và hội nhập... Còn định hướng XHCN là việc sử dụng các chính sách, công cụ và cả nguồn lực đã tạo ra để thực hiện phân phối và phân phối lại một cách công bằng, hỗ trợ những người yếu thế, người nghèo...
Thị trường đích thực sẽ tạo ra của cải
Lâu nay nhiều người vẫn có cách hiểu khác nhau về KTTT định hướng XHCN. Dự thảo báo cáo chính trị Đại hội XII đã nêu ra định nghĩa mới về khái niệm KTTT định hướng XHCN. Ở góc độ của mình, ông nhìn nhận thế nào về vấn đề trên?
Trong 30 năm đổi mới, khái niệm KTTT định hướng XHCN đã được xác định trong nhiều Đại hội. Trong mấy năm qua, nhiều cơ quan như Hội đồng lý luận Trung ương (T.Ư), Ban Kinh tế T.Ư, các trường đại học và viện nghiên cứu… cũng đã có một số nghiên cứu cả lý luận và tổng kết thực tiễn, đi tới xác định được rõ hơn khái niệm về “KTTT định hướng XHCN”. Trong đó đều nhấn mạnh về thị trường hiện đại, hội nhập, cũng như tính thời đoạn của khái niệm này.
KTTT là thành quả chung của nhân loại nên cần được thực hiện đầy đủ, để nền kinh tế Việt Nam có thể hội nhập quốc tế thành công. Có tham gia thị trường đầy đủ thì nền kinh tế Việt Nam mới có thể từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN, tức là thực hiện thị trường thống nhất trong vùng Đông Nam Á (từ 31/12/2015), nếu chúng ta hiểu KTTT theo một cách riêng thì sẽ bị lạc điệu khi hội nhập, không thể hợp tác và cạnh tranh thành công.
Theo ông, khái niệm KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam nên hiểu như thế nào cho đúng với tình hình thực tế của chúng ta?
Trong khái niệm này có hai vế. Về vế đầu tiên, đã là KTTT, dù ở Đông hay Tây thì đều phải là KTTT đích thực, hiện đại và hội nhập. Nếu nước ta hội nhập mà chỉ thực hiện thị trường nửa vời thì chính điều này làm thiệt hại cho đất nước. Trái lại, nếu ta vươn lên, thực hiện thị trường đích thực thì đó là điều kiện để phát triển đất nước. Chỉ trong điều kiện có sức cạnh tranh mạnh Việt Nam mới có điều kiện thực hiện được mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Còn vế thứ hai, định hướng XHCN là thể hiện ước nguyện sử dụng các chính sách, công cụ và cả nguồn lực đã tạo ra để thực hiện phân phối và phân phối lại một cách công bằng, hỗ trợ những người “yếu thế”, người nghèo... Nếu chưa làm ra nhiều của cải mà đã “cào bằng” thì cuối cùng sẽ tác hại cho “công bằng” của một đất nước văn minh. Thực hiện khiên cưỡng khái niệm “KTTT định hướng XHCN” một cách cứng nhắc, lấy mục tiêu xa, lại chưa có thực tế kiểm nghiệm, để áp đặt lên các mục tiêu ngắn hạn và trung hạn là cách làm không khôn ngoan, kìm hãm sự phát triển.
Như vậy có thể hiểu rằng đã là KTTT thì phải thực hiện đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường… Còn định hướng XHCN là Nhà nước sẽ dùng chính sách để điều tiết, chăm lo cho xã hội?
Đúng là như thế. Chúng ta hãy làm ra “cái bánh to”, phát triển đất nước giàu mạnh thì mới có điều kiện và tiền đề để thực hiện phân phối, phân phối lại cho mọi người được nhiều hơn, công bằng hơn theo từng giai đoạn phát triển. Tạo cơ hội cho cả người “yếu thế” và người nghèo có thêm cơ hội cùng xây dựng đất nước phát triển. Tất nhiên trong điều kiện đó, cả người thuộc tầng lớp trung lưu, người giàu cũng có cuộc sống tốt hơn. Đó là cách làm nhân văn, thực hiện phát triển xã hội một cách hài hòa.
Phân chia của cải theo sự đóng góp
Tuy nhiên, có ý kiến lo ngại rằng việc thực hiện triệt để KTTT có thể dẫn tới nguy cơ chệch hướng. Ông đánh giá sao về ý kiến trên? Làm thế nào để không xảy ra điều đó?
Không nên hiểu định hướng XHCN là ngay từ đầu phải “chia đều”. Nếu trong giai đoạn đầu của phát triển mà muốn hưởng thụ cao thì lấy đâu ra của cải. Trước hết trong giai đoạn đầu của phát triển, phải căn cứ vào sự đóng góp lao động, chất xám và của cải của mỗi người để có sự phân chia ban đầu ngày càng hợp lý, công bằng. Trên nền tảng kinh tế càng phát triển thì việc thực hiện phân phối lại, thực hiện các chính sách xã hội mới có điều kiện thực hiện với quy mô lớn hơn, giúp mọi người đều có mức sống vật chất và tinh thần tốt hơn.
Tất nhiên, việc thực hiện “công bằng” là phải thích hợp với từng giai đoạn phát triển, với từng vùng miền. Có thể cuộc sống vật chất ở nước ta còn chênh lệch, nhưng có thể thực hiện các hưởng thụ khác, nhất là về văn hóa công bằng hơn. Đây chính là chức năng quan trọng của Nhà nước để tạo dựng cuộc sống vật chất và tinh thần ngày càng tốt đẹp hơn cho toàn dân trong thời đại hội nhập quốc tế. Không thể vì lo sợ “chệch hướng” để không phát triển đất nước trong hội nhập. Và khi xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và các chính sách phát triển có thể có những sai sót, thiếu ăn khớp, sai lệch so với dự kiến ban đầu thì các cơ quan quản lý, xã hội và từng người dân cần thực hiện giám sát, phát hiện kịp thời để Nhà nước điều chỉnh, chủ yếu bằng các công cụ, chính sách kinh tế và các nguồn lực được giao.
Việc đưa ra định nghĩa mới về KTTT định hướng XHCN sẽ có tác động như thế nào đến sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, nhất là trong việc bảo đảm công khai, minh bạch của thị trường; phù hợp với sự hội nhập quốc tế…, thưa ông?
Vấn đề khái niệm về KTTT định hướng XHCN không thể được xem như một khái niệm đã có ở đâu đó, nay tìm ra như “khuôn vàng thước ngọc”, bất di bất dịch. Do đó, trong khi nghiên cứu đi sâu vào khái niệm này, cần nhanh chóng nghiên cứu, đào sâu và thực nghiệm ở các thời kỳ phát triển ngắn hơn, cụ thể hơn cho 5-10 năm trước mắt.
Ngoài ra, tại mỗi cơ quan đơn vị, cấp bộ đảng cũng không nên chỉ sao chép Nghị quyết chung, cấp toàn quốc, mà cần căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể để đề ra các chủ trương cụ thể, biện pháp sinh động, sát hợp, đề xuất các cơ chế, chính sách, tổ chức và hình thức đa dạng để huy động mọi người cùng chung sức thực hiện. Rất tránh lối “sao chép” nghị quyết ở cấp toàn quốc vào Nghị quyết các cấp huyện, tỉnh, ngành, mà thiếu đi các quyết sách cụ thể hóa. Cần thực hiện đổi mới mạnh mẽ tư duy, đổi mới thể chế để huy động tốt nhất toàn lực cho phát triển. Đó là cách thực hiện tốt nhất Nghị quyết từ khi thảo luận. Nghị quyết phải phản ánh sát hơn hơi thở của cuộc sống và sau đó, từ Nghị quyết đã thông qua lại chỉ đạo hành động thực tiễn, với muôn vàn sắc màu đa dạng của cuộc sống. Đó chính là quan điểm biện chứng của phát triển, không nên có một chủ trương, thậm chí cách hiểu và giải thích quá cứng nhắc, đơn giản.
Cảm ơn ông!
Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội XII đã nêu ra định nghĩa mới về khái niệm kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đó là: “Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng XHCN phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Theo Văn Kiên
Tiền Phong