Kỳ vọng khách Tây Âu tăng 50%
Với việc miễn thị thực cho 5 nước Tây Âu trọng điểm, Tổng cục Du lịch kỳ vọng trong 3 năm tới, số lượng du khách tăng khoảng 50% so với hiện nay
- 08-07-2015“Mỏ vàng” du lịch Việt Nam vẫn đang là “tiềm ẩn”
- 07-07-2015Du lịch Việt Nam: Câu chuyện không chỉ là visa
- 15-06-2015Vì sao du lịch Việt Nam chậm phát triển?
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), cho hay Tây Âu là thị trường truyền thống của du lịch Việt Nam (trung bình mỗi năm Việt Nam đón khoảng 700.000 du khách Tây Âu và có khoảng 150.000 người Việt Nam đến các nước Tây Âu).
Tuy nhiên, ông Tuấn đánh giá con số trên là rất thấp, chưa tương xứng với mối quan hệ của Việt Nam với các nước Tây Âu. Vì thế, quyết định của Chính phủ miễn thị thực nhập cảnh đơn phương cho công dân của 5 nước Tây Âu và Belarus là một đột phá, tạo ra điều kiện thuận lợi cho việc tăng trưởng khách du lịch đến Việt Nam từ các quốc gia này.
Phải giảm giá
Với mong muốn đưa Tây Âu trở thành thị trường hàng đầu của du lịch Việt Nam, Tổng cục Du lịch và Hiệp hội Du lịch Việt Nam vừa công bố chương trình kích cầu du lịch cho các thị trường Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Ý và Belarus.
Ông Tuấn cho biết mục tiêu của chương trình là đến cuối năm 2015 chặn đà suy giảm của du khách Tây Âu đến Việt Nam, đồng thời tạo sự tăng trưởng của thị trường này từ đầu năm 2016 và đạt độ tăng trưởng 10% trong 6 tháng đầu năm, 20% trong những tháng cuối năm 2016. Phấn đấu trong 3 năm 2016-2018, lượng du khách từ các nước Tây Âu đến Việt Nam đạt 1,1 triệu lượt, tăng 50% so với năm 2015.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, chỉ ra một loạt công việc mà Tổng cục Du lịch cũng như hiệp hội sẽ phải làm trong thời gian tới. Đó là xây dựng các sản phẩm mới gắn với các điểm tham quan mới, các sản phẩm này phải khai thác được giá trị độc đáo của văn hóa truyền thống Việt Nam, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu các giá trị văn hóa và thiên nhiên của loại khách này. Bên cạnh đó, giá bán các sản phẩm phải giảm từ 20%-30% so với sản phẩm thông thường.
“Giá cả là một trong số những yếu tố thu hút khách, các địa phương cũng nên khuyến khích du khách thưởng thức một số hoạt động văn hóa nghệ thuật truyền thống miễn phí” - ông Bình nhấn mạnh. Vị lãnh đạo này cũng nhấn mạnh đến việc xúc tiến mạnh mẽ thị trường Tây Âu và Belarus với việc tổ chức chiến dịch truyền thông về chương trình kích cầu, tổ chức các hoạt động xúc tiến như nâng cấp việc tham gia 2 hội chợ du lịch hàng đầu thế giới là ITB Berlin 2016 và WTM (Anh) năm 2015, tổ chức sớm một số Roadshow tại 5 nước Tây Âu…
Không hào hứng lắm?
Tuy nhiên, Tây Âu có phải là thị trường hái ra tiền của Việt Nam hay không thì còn cần thời gian trả lời.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Công ty Vietravel, không hào hứng lắm với việc chỉ tập trung phát triển thị trường Tây Âu. Theo ông, nếu các doanh nghiệp nghiên cứu không kỹ thì tập trung vào đây không khác nào mang đầu đập vào tảng đá. “Tính liên kết các doanh nghiệp ở Đức rất chặt chẽ, rất khó để các công ty lữ hành Việt Nam có thể tham gia mời chào. Đã nhiều năm nay, Vietravel bó tay với thị trường này” - ông Kỳ nói.
Hơn nữa, trong khi Tổng cục Du lịch cho rằng hội chợ du lịch thế giới là cơ hội xúc tiến du lịch lớn thì các doanh nghiệp lại chỉ quan niệm hội chợ là nơi để các quốc gia “vẫy tay chào nhau”, giới thiệu hình ảnh quốc gia, không phải bán sản phẩm. Thông thường, các tour đưa đón du khách của các thị trường Tây Âu thường được xác định từ 8 tháng trước khi diễn ra hội chợ. Trước sự lạc quan của Tổng cục Du lịch, các doanh nghiệp đồng lòng kiến nghị cơ quan quản lý xem xét lại hình thức xúc tiến này. Chưa hết, truyền thông trong nước rầm rộ tuyên truyền về chính sách miễn thị thực nhưng đối tượng được hưởng là du khách đến từ 6 quốc gia trên gần như im lặng.
“Chúng tôi không thấy một dòng chữ nào miễn thị thực visa của Việt Nam trên các trang báo của 6 quốc gia trên. Chính vì vậy, chúng tôi mong mỏi sự vào cuộc của Bộ Ngoại giao, hỗ trợ tuyên truyền cho vấn đề này” - ông Trịnh Ngọc Thành, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), bày tỏ.
Tiếp tục miễn visa cho các thị trường mới
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, thời gian miễn visa một năm được xem là quá ngắn, chưa đủ hấp dẫn để đưa du khách tới Việt Nam một cách lâu dài. Giải đáp những băn khoăn về thời hạn này, ông Vũ Thế Bình cho rằng nghị quyết đã được Chính phủ ban hành, không nên ngồi băn khoăn việc miễn thị thực có kéo dài nữa hay không mà phải hành động để tạo ra những bước ngoặt.
Nếu du lịch khẳng định được con số tăng trưởng, chắc chắn Thủ tướng không quá chặt chẽ để tiếp tục gia hạn miễn thị thực cho du khách quốc tế. Ông Nguyễn Văn Tuấn cho hay trong thời gian tới, Tổng cục Du lịch và Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch sẽ tham mưu để Chính phủ tiếp tục miễn visa cho các thị trường mới và tiềm năng như Úc, New Zealand, Canada, Ấn Độ.