Làm gì để hạ tầng không bị bán rẻ?
Bộ Tài chính cho biết, hiện đã có khung pháp lý quản lý tài sản giao thông đường bộ. Bộ Tài chính đang cùng Bộ GTVT xây dựng quản lý tài sản hạ tầng giao thông đường hàng không và hạ tầng các lĩnh vực khác…
- 16-03-20153 "đại gia" muốn xây sân bay Quảng Ninh
- 15-03-2015Phát lệnh khởi công đường băng sân bay Cam Ranh
- 11-03-2015Tập đoàn T&T đề nghị mua sân bay Phú Quốc
Chờ ban hành khung pháp lý
Gần đây, lãnh đạo Bộ GTVT lên tiếng sẵn sàng chuyển nhượng tất cả hoặc một phần hạ tầng sân bay nhằm quay vòng vốn đầu tư cho dự án khác. Ngay sau thông tin này, Vietnam Airlines và Vietjet Air liền đệ đơn xin mua nhà ga T1 cũng như sảnh E sân bay Nội Bài. Tuy nhiên, khung pháp lý hiện tại mới chỉ có quy định về quản lý, sử dụng và khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, còn quy định chuyển nhượng hạ tầng giao thông đường hàng không đang chờ xây dựng.
Trao đổi với PV Tiền Phong, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) La Văn Thịnh cho biết: Cơ chế xác lập thu hút đầu tư cùng nhà nước bằng việc bán, chuyển nhượng hạ tầng giao thông trong hạn định đã có trong Nghị định 10 (ban hành năm 2013-PV), nhưng chỉ áp dụng với tài sản giao thông đường bộ. Bản thân tài sản giao thông có trong rất nhiều lĩnh vực. Sau khi ban hành được khung pháp lý về quản lý tài sản đường bộ, Bộ GTVT có văn bản đề nghị Bộ Tài chính làm tiếp cơ chế quản lý toàn bộ tài sản hạ tầng giao thông còn lại như đường sắt, hàng không và đường thủy.
“Bộ Tài chính đang phối hợp rất tốt với Bộ GTVT để xây dựng khung pháp lý quản lý tài sản các loại hình kết cấu hạ tầng giao thông khác. Hiện chúng tôi làm việc với Tổng cục Đường sắt và Tổng Công ty Đường sắt để bàn thảo định hướng xác định khung pháp lý thúc đẩy cải thiện tài sản hạ tầng đường sắt”, ông Thịnh nói.
Khi được hỏi bao giờ sẽ xây dựng khung pháp lý quản lý tài sản đường hàng không, ông Thịnh cho biết: “Không thể làm ào ào, cóp từ cái này sang cái kia. Làm sao chính sách ban hành tháo gỡ được những vướng mắc ở các lĩnh vực đặc thù. Thuật ngữ kết cấu hạ tầng rất giản dị nhưng vê mặt pháp lý, mỗi loại hình có quy định riêng để thể hiện sự độc lập tương đối. Chúng tôi đang phân kỳ, dựa vào thực tế để làm từng phần. Làm xong dự thảo về quản lý tài sản đường sắt rồi mới sang lĩnh vực hàng không”. Ông Thịnh cho biết thêm, khi xây dựng Nghị định 10 kể trên, ông đã đưa ra minh chứng thực tế Australia từng bán sân bay cho tư nhân.
“Nếu chỉ một đối tác mua, cần định giá chuẩn”
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng: Tư nhân hóa sở hữu công trình giao thông là xu thế thời đại. Bởi vì tư nhân quản lý tốt hơn nhà nước, nhất là trong điều kiện nhà nước đang thiếu vốn và cần bán, chuyển nhượng các công trình có thời hạn. “Tuy nhiên, thách thức là ràng buộc đối tượng mua và định giá hợp lý”, ông Long nói.
“Đối với dự án nhượng quyền khai thác tại các cảng hàng không, sân bay, chỉ nhượng quyền những hạng mục kết cấu hạ tầng và các dịch vụ Nhà nước không cần nắm giữ. Nhà đầu tư chỉ được vận hành, khai thác, cung cấp dịch vụ thông qua hình thức hợp đồng Kinh doanh - Quản lý (O&M) trong một thời gian nhất định mà không được quyền sở hữu”.
Báo cáo của Bộ GTVT gửi Văn phòng Trung ương Đảng
Theo ông Long, chuyển nhượng cho đối tượng nào cần có điều kiện ràng buộc rõ ràng về duy tu, bảo dưỡng. “Tránh tình trạng bán xong rồi không quan tâm công việc duy tu, bảo dưỡng. Thực tế, các công trình giao thông lớn đều thuộc độc quyền nhà nước. Ví dụ như sân bay, mỗi thành phố chỉ có một, làm gì có chuyện cạnh tranh. Vì thế, cần phải có những điều kiện ràng buộc về duy tu, bảo dưỡng đảm bảo chất lượng công trình. Ngoài ra, cần khống chế về dịch vụ và giá cả, nếu không lại rơi vào tình trạng tư nhân tăng giá vô tội vạ”, ông Long nói.
Vấn đề định giá các công trình giao thông đảm bảo đúng giá trị thị trường rất quan trọng. Theo ông Long, về lý thuyết, Việt Nam có nhiều phương pháp, cách tính và các nước cũng đang làm. “Tuy nhiên, nếu định giá cao quá sẽ không ai mua, thấp quá nhà nước lỗ. Nên định giá mức sàn dựa vào các yếu tố: Vốn đầu tư, khấu hao hằng năm, thời hạn chuyển nhượng… để đưa ra mức giá hợp lý. Nếu chỉ một đối tác mua, cần định giá chuẩn. Chuyển nhượng các công trình giao thông lớn là vấn đề mới. Chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm định giá, nên cần học hỏi, tư vấn từ nước ngoài. Thậm chí phải thuê chuyên gia nước ngoài”, ông Long đề nghị.
Thực tế, ngay khi Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 10 đầu năm 2013, Bộ GTVT đã bán thành công quyền thu phí một tuyến đường cao tốc cho tư nhân ngay cuối năm đó.
Cụ thể, tháng 11/2013, Bộ GTVT đã bán đấu giá thành công quyền thu phí cao tốc TPHCM - Trung Lương giai đoạn 1. Theo đó, từ ngày 1/1/2014, Cty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh (TPHCM) sẽ được thu phí tại 4 trạm trên tuyến đường, gồm: Chợ Đệm, Tân An, Bến Lức và Thân Cửu Nghĩa trong 5 năm. Đổi lại, doanh nghiệp này có trách nhiệm thanh toán 2.004 tỷ đồng thành 3 đợt, kéo dài trong 6 tháng. Trước đó, thời điểm cao tốc TPHCM - Trung Lương vừa hoàn thành, Cty CP Phát triển đường cao tốc BIDV (BEDC) đã đàm phán mua quyền thu phí tuyến đường này với giá hơn 9.100 tỷ đồng trong thời gian 25 năm. Song do khó khăn khách quan, cuối năm 2011, BEDC thông báo không mua nữa.
Theo Tuấn Đức
Tiền Phong