MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Làm ôtô “Made in Vietnam”: Đừng so sánh con nhà nghèo với con tỷ phú Mỹ

“Đã đến thời điểm chúng ta có thể hi vọng về tiềm năng phát triển ngành công nghiệp ô tô lớn hơn, khả thi hơn. Nhưng tôi cũng cho rằng, chúng ta đừng kỳ vọng quá lớn, quá cao so với cái chúng ta muốn. Đừng so sánh con nhà nghèo ở quê với con tỷ phú Mỹ” – Chủ tịch Ô tô Trường Hải nhận định.

Tóm tắt:

- Tại tọa đàm về chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam chiều ngày 27/4, ông Trần Bá Dương – Chủ tịch HĐQT Thaco Trường Hải cho rằng, đã đến thời điểm Việt Nam có thể hi vọng về tiềm năng phát triển ngành công nghiệp ô tô lớn hơn, khả thi hơn.

- Tuy nhiên, chúng ta đừng kỳ vọng quá lớn, quá cao so với cái chúng ta muốn. Đừng so sánh con nhà nghèo ở quê với con tỷ phú Mỹ.

- Trong khi đó, ông Hồ Mạnh Tuấn – Phó TGĐ Honda Việt Nam đề nghị nên thay đổi phương thức tính thuế tiêu thụ đặc biệt theo hướng tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất, phát triển ngành công nghiệp ô tô.


Năm 2004, Chính phủ Việt Nam phê duyệt đề án phát triển ngành công nghiệp ô tô. Đến nay, sau 20 năm, dường như ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn “dậm chân tại chỗ” khi chưa có một sản phẩm ô tô “made in Vietnam” đúng nghĩa.

Đến nay, câu chuyện ôtô lại tiếp tục được đưa ra mổ xe khi Công ty Toyota Việt Nam lên tiếng cân nhắc về việc có tiếp tục duy trì sản xuất ở Việt Nam hay không. Thậm chí, theo một nguồn tin, Toyota còn đệ trình những điều kiện ưu đãi lên tới hàng tỷ USD với Chính phủ để ở lại Việt Nam.

Đừng so sánh con nhà nghèo ở quê với con tỷ phú Mỹ!

Chia sẻ tại tọa đàm về chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam chiều ngày 27/4, ông Trần Bá Dương – Chủ tịch HĐQT Thaco Trường Hải cho biết, hầu hết linh kiện của Toyota nhập về từ ASEAN với mức thuế suất 5%.

“Khi thuế suất bằng 0%, nếu nhập xe nguyên chiếc thay vì lắp ráp ô tô, Toyota sẽ giảm được 5% thuế nhập khẩu linh kiện và chi phí lắp ráp”.

Chủ tịch Thaco Trường Hải bày tỏ lo ngại, khi hội nhập, các nước đều không mở toang cửa mà sẽ có những chính sách bảo hộ, phòng vệ; trong khi Việt Nam không hề có.

"Dùng từ “bảo hộ” nghe hơi nặng nhưng đó là trợ lực phát triển sản xuất trong điều kiện thị trường tiêu thụ lớn. Bản thân tôi không xin quá nhiều và không thể dựa vào bảo hộ để phát triển sản xuất lâu dài” - ông Dương cho biết.

Theo ông Dương, nếu không có chiến lược nhất định để nuôi dưỡng, tạo điều kiện để có các dự án hiệu quả thì mãi mãi Việt Nam không mở được thị trường.

Thái Lan, Indonesia phát triển ngành công nghiệp ô tô từ những năm 1970, trong khi Việt Nam mới thực sự làm từ năm 2004 với xuất phát điểm về nền kinh tế, hạ tầng, thu nhập...  đều thấp so với các nước trong khu vực.

“Đã đến thời điểm chúng ta có thể hi vọng về tiềm năng phát triển ngành công nghiệp ô tô lớn hơn, khả thi hơn. Nếu làm được điều này, tôi thấy chúng ta có thể làm được công nghiệp ô tô. Nhưng tôi cũng cho rằng, chúng ta đừng kỳ vọng quá lớn, quá cao so với cái chúng ta muốn. Đừng so sánh con nhà nghèo ở quê với con tỷ phú Mỹ!” – Chủ tịch Ô tô Trường Hải nhận định.

Tại sao lại bỏ lỡ cơ hội?

Trong khi đó, chia sẻ tại buổi tọa đàm, ông Hồ Mạnh Tuấn – Phó TGĐ Honda Việt Nam băn khoăn, với một đất nước có dân số lý tưởng 90 triệu dân, tại sao Việt Nam lại bỏ lỡ cơ hội.

Theo định hướng của Đảng, đến năm 2020, về cơ bản đưa nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại. Trong đó, Chính phủ quyết định duy trì phát triển ngành công nghiệp ô tô với nhiều chính sách ưu đãi.

Ông Tuấn cho rằng, trong giai đoạn hội nhập, các nước có quyền cạnh tranh bằng cách giảm thuế suất chứ không được tăng. Trên cơ sở đó, ông Tuấn cũng đề nghị Chính phủ nên thay đổi phương thức tính thuế tiêu thụ đặc biệt theo hướng tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất, phát triển ngành công nghiệp ô tô.

“Doanh nghiệp nào nội địa hóa càng nhiều, giá trị nhập khẩu linh kiện càng ít thì càng có lợi. Qua đó, góp phần khuyến khích nội địa hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp” – Đại diện Honda Việt Nam chia sẻ.

Theo ông Tuấn, ưu đãi cho các dự án có thể là ưu đãi về giảm thuế, thuế đất, thuế thu nhập doanh nghiệp.  Một doanh nghiệp trong ngành ô tô phải mất 5 năm, thậm chí 10 năm mới có lợi nhuận. Ông Tuấn khuyến nghị, để doanh nghiệp có thể tồn tại cần có hai chính sách: giảm thuế nhập khẩu linh kiện và điều chỉnh chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt.

Bên cạnh những ưu đãi cho doanh nghiệp, theo ông Tuấn, Chính phủ cũng cần nhắc đến những cam kết của doanh nghiệp, đặc biệt thông qua tỷ lệ nội địa hóa.

Lắp ráp dễ thành công và lãi nhiều

Theo ông Bùi Ngọc Huyên - Chủ tịch Công ty cổ phần ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki), trước đây không ai nghĩ Việt Nam có thể làm được ô tô.

Ô tô lắp ráp dễ làm và lãi nhiều, trong khi vốn đầu tư không lớn. Từ năm 2009, khi Thủ tướng yêu cầu kích cầu, tăng cường sản xuất trong nước tạo đà cho ngành công nghiệp ô tô nội địa tăng trường.

Ông Huyên cho rằng, chiến lược này hoàn toàn đúng đắn khi thu nhập của người dân ngày càng tăng lên, nhiều đường cao tốc mới được đưa vào sử dụng là cơ hội để ngành ô tô đạt mức tăng trưởng gấp đôi, gấp ba.

Tuy nhiên, cũng theo ông Huyên, các chính sách của nhà nước cần phải đảm bảo hài hòa lợi ích của cả ba bên: người dân, doanh nghiệp và nhà nước. Hiện nay doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận với nguồn vốn vay. Bản thân doanh nghiệp của ông Huyên, ba năm nay không được vay vốn để kinh doanh.

Cùng chung quan điểm này, ông Đào Phan Long - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội cơ khí Việt Nam đề nghị, chính sách phải tập trung vào những doanh nghiệp đang sản xuất ôtô trong nước, chứ không phải ưu đãi cho tất cả, “không phải toàn dân làm ôtô”.

Chia sẻ với những khó khăn của các doanh nghiệp ô tô, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: "Bộ Công Thương sẽ tập hợp các ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng để bổ sung hoàn thiện cơ chế chính sách, góp phần đưa ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đi đúng hướng".

Chủ tịch Ô tô Trường Hải: Tập trung vào thị trường xe CKD, ai làm đúng sẽ có thành công

Nguyệt Quế

Trịnh Hường

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên