Lạm phát thấp đừng vội mừng
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nước ta đang ở mức thấp một cách bất thường và điều này ẩn chứa nhiều lo ngại.
- 24-11-2013CPI cả nước tăng 0,34% trong tháng 11
- 22-11-2013CPI TP. HCM tăng 0,17% so với tháng 10
- 21-11-2013Hà Nội: CPI tháng 11 tăng 0,26% so với tháng trước
Cho tới thời điểm này, với mức tăng chỉ mới ở mức hơn 5%, gần như chắc chắn năm nay sẽ là năm thứ hai liên tiếp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ quanh quẩn dưới ngưỡng 7%. Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp đạt kết quả tốt hơn cả mong đợi, bởi mục tiêu đề ra là năm 2012 kiềm chế lạm phát dưới 10%, các năm sau thấp hơn, đến năm 2015 lạm phát khoảng 5%-7%.
Lạm phát thấp trái “thông lệ”
Hẳn nhiên, như báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội đó là kết quả của việc kiên trì mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, việc CPI hai năm liên tiếp tăng thấp trái với “thông lệ” như vậy đều có một nguyên nhân chung là “ăn theo” giá cả thế giới.
Trước hết, các số liệu thống kê CPI nước ta từ năm 2003 đến nay cho thấy “thông lệ” rất rõ ràng. Đó là cứ một năm CPI tăng thấp thì hai năm tiếp theo đều tăng cao. Cụ thể, CPI năm 2003 chỉ tăng 3%, đến hai năm 2004 và 2005 lần lượt tăng hơn 9% và 8%.
Kế đến năm 2006, mức tăng CPI đã giảm xuống còn 6,5%, hai năm 2007 và 2008 lần lượt tăng gần 13% và 20%. Năm 2009, CPI quay về mức thấp chỉ tăng 6,5%, quy luật diễn tiếp năm 2010 12% và 18%. Như vậy, sau khi chỉ tăng 6,8% trong năm 2012 thì việc CPI năm 2013 vẫn tăng ở mức thấp 7%, trái với “thông lệ” đường đi phi quy luật đã hình thành từ năm 2003 đến nay.
Sức mua yếu nên chỉ số giá tiêu dùng cũng giảm. Ảnh: HTD
quan sát số liệu thống kê của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thì có thể thấy quy luật nếu giá hàng hóa trên thị trường thế giới tăng cao thì giá tiêu dùng của nước ta cũng tăng cao và ngược lại. Nhưng đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2012 và năm nay, quy luật đó lại có vẻ không thuận.
Trong khi giá hàng hóa thế giới năm 2012 chỉ giảm 3%, riêng giá lương thực, thực phẩm “rơi tự do” gần 10% thì Việt Nam lại có mức tăng giá tiêu dùng 6,8% là không hề thấp. Đặc biệt là giá hàng hóa thế giới 10 tháng đầu năm 2013 tiếp tục giảm 2% thì mức tăng giá tiêu dùng khoảng 7% của nước ta lại càng cao. Đây thực sự bất bình thường.
Từ những thực tế đó có thể suy đoán rằng nếu kinh tế thế giới hồi phục nhẹ, cung cầu ổn định thì chắc chắn CPI của nước ta sẽ tăng rất mạnh. Cho nên công tác kiềm chế lạm phát hiện nay vẫn chưa có gì bảo đảm chắc chắn thực hiện được mục tiêu hạ thấp tỉ lệ lạm phát.
Cần cái nhìn đa chiều
Kết quả kiềm chế lạm phát do những nỗ lực rất lớn trong ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ chặt chẽ. Nhưng cũng không thể không có phần đóng góp của các yếu tố khác, đặc biệt những yếu tố khách quan không mong muốn đã và đang để lại những hệ quả xấu.
Thứ nhất, trong điều kiện dân cư khu vực nông thôn vẫn còn chiếm hơn 2/3 dân số cả nước, do biến động của giá hàng nông sản, nông dân bị thiệt kép rất lớn, cho nên thu nhập giảm mạnh, dẫn đến sức mua của thị trường trong nước giảm mạnh.
CPI 2013 tăng thấp trái với “thông lệ” giúp lạm phát thấp một cách bất thường. Đồ họa: KP
Các số liệu thống kê về CPI trong 10 tháng đầu năm cũng cho thấy trong khi giá lương thực, thực phẩm chỉ tăng hơn 1% thì giá của tất cả nhóm hàng hóa và dịch vụ còn lại đã tăng gần 10%, tức là dân cư khu vực nông thôn vừa phải bán rẻ hàng hóa mà mình có, vừa phải mua đắt những hàng hóa và dịch vụ mà mình cần.
Tất cả điều nói trên có nghĩa là thị trường thế giới cũng là tác nhân khiến cầu trong nước yếu, đây cũng là yếu tố rất quan trọng khiến lạm phát từ năm 2012 đến nay không tăng cao.
Yếu tố thứ hai, so với những năm trước đây, xuất khẩu từ năm 2012 đến nay đã tăng vượt xa mong đợi, cải thiện một cách cơ bản cán cân thương mại, Việt Nam đã xuất siêu nhiều hơn. Từ đó góp phần làm cho tiền đồng (VND) không bị mất giá, hỗ trợ rất đắc lực cho việc kiềm chế lạm phát.
Các số liệu thống kê cho thấy đạt được kết quả này trước hết là do xuất khẩu năm 2012 đã tăng ngoạn mục 18%, vượt rất xa mục tiêu 12%-13%. Còn năm 2013 này, trong khi mục tiêu đề ra chỉ là tăng khoảng 10% nhưng kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đầu năm nay ước vẫn tăng 15%, cho nên nếu không có gì bất ngờ thì đây cũng sẽ là mức tăng của cả năm nay.
Tuy nhiên, xuất siêu tăng chỉ do nhập khẩu giảm và xuất siêu chỉ là bề nổi của lượng, còn chất giảm trầm trọng, giá trị hàng xuất khẩu đã tụt dốc giảm. Nông nghiệp là trụ đỡ nhiều năm của nền kinh tế nhưng năm 2012 là lần đầu tiên kể từ năm 1990 trở lại đây giá trị sản xuất nông nghiệp đã giảm tuyệt đối 38.000 tỉ đồng, bằng 3,8% “rổ giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản”.
Đây chính là nguyên nhân mấu chốt khiến sức mua của thị trường trong nước giảm và hai khu vực công nghiệp và dịch vụ thiếu thị trường để phát triển.
Kiềm chế lạm phát là nhiệm vụ trọng tâm của đất nước nhưng trước những dấu hiệu bất thường của nền kinh tế thì cần bắt mạch, kê toa thuốc hợp lý vừa trị bệnh dứt, vừa phục hồi thể lực mới là quan trọng.
Theo Nguyễn Đình Bích
Viện Nghiên cứu Thương mại, Bộ Công Thương