Lạm phát thấp và lý giải bất ngờ!
Các mặt hàng được nhà nước quản lý giá chiếm hơn 60% trong rổ chỉ số tính lạm phát.
Mới đây, tổng cục thống kê đã cập nhật phương án tính chỉ số giá tiêu dùng giai đoạn 2015 – 2020. Các điều chỉnh quan trọng bao gồm tăng số mặt hàng và thay đổi quyền số (tỷ trọng từng mặt hàng) trong công thức tính.
Đáng chú ý các mặt hàng được nhà nước quản lý giá chiếm tỷ trọng hơn 60%.
Cụ thể, các hàng hóa nằm trong danh sách bình ổn giá như: điện, xăng, thóc – gạo tẻ, muối, đường là các mặt hàng cơ bản của các nhóm: Hàng và dịch vụ ăn uống (36,1%); Nhà ở, điện, nước, chất đốt và VLXD (15,7%) và Giao thông (9,4%) trong rổ tính toán chỉ số giá tiêu dùng.
Hiện danh sách bình ổn giá có 10 loại hàng hóa, được quy định trong luật Giá. Vào đầu năm 2015, giá dịch vụ vận tải từng được Bộ Tài chính đề xuất đưa vào danh sách bình ổn giá nhưng không được Chính phủ đồng ý.
Ngoài ra, trong rổ tính toán lạm phát còn có giá dịch vụ y tế (3,9%) và dịch vụ giáo dục (5,2%) thuộc nhóm các dịch vụ công cũng được điều chỉnh theo lộ trình bởi các quy định của cơ quan quản lý.
Nhóm mặt hàng và tỷ trọng tính chỉ số giá tiêu dùng giai đoạn 2015 – 2020
Năm 2015, lạm phát bình quân của Việt Nam tăng 0,63%, thấp kỷ lục trong nhiều năm. Nếu loại bỏ các nhóm hàng lương thực, thực phẩm; năng lượng và dịch vụ y tế, giáo dục, lạm phát cơ bản của Việt Nam tăng 2,05%. Con số này thấp hơn nhiều so với mục tiêu 5% được đặt ra hồi đầu năm.
Năm 2016, Việt Nam tiếp tục đặt mục tiêu chỉ số giá tiêu dùng tăng không quá 5%. Tuy vậy nhiều dự báo cho thấy lạm phát của Việt Nam khó chạm mức này trong năm nay. ANZ đưa ra dự báo 2%, con số của WB là 3% trong khi HSBC dự báo 5,1% vào cuối năm 2016.