Lãng phí đầu tư công: Cùng lắm là kiểm điểm tập thể?
“Xưa nay các dự án đầu tư công làm lãng phí, tham ô, thất thoát tài sản nhà nước cùng lắm thì cũng chỉ là kiểm điểm tập thể”
- 10-04-2014Vốn đầu tư công gồm những gì?
- 04-04-2014Siết đầu tư công, ASIAD 18 và sự minh bạch
- 30-03-2014Đầu tư công: Lãng phí là tại cơ chế?
Ông Huỳnh Nghĩa, Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Đà Nẵng đã nói như vậy khi bàn về việc quy trách nhiệm trong việc sử dụng nguồn vốn ngân sách đối với các dự án đầu tư công
PV: - Thưa ông, nhiều đại biểu QH đã nói đi nói lại rằng đầu tư công sai hoặc lỗ thì phải có người chịu trách nhiệm, tuy nhiên, trên thực tế, việc phân công trách nhiệm đối với người có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư chưa rõ ràng dẫn đến tình trạng ‘cha chung không ai khóc’ đối với các dự án đầu tư công. Ông nghĩ sao khi chúng ta cứ luẩn quẩn mãi mà không giải quyết được điểm này? Vừa là đại biểu QH, Hội đồng nhân dân thực tế ông thấy có quy được trách nhiệm hay không và tại sao từ trước tới nay chúng ta chưa làm được?
Đại biểu Huỳnh Nghĩa: - Đúng ra, nếu làm kỹ thì với những dự án đầu tư công lớn thuộc quyền quyết của Quốc hội và Hội đồng nhân dân thì phải quy được trách nhiệm.
Nhưng từ trước tới nay chủ trương là chủ trương chung thì khó mà quy trách nhiệm được cho ai. Ví dụ tập thể Quốc hội, Hội đồng nhân dân đều ra Nghị quyết thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm?.
Nói thật là nói cho có trách nhiệm chứ từ trước tới nay chúng ta chưa bao giờ có chuyện quy trách nhiệm cho tập thể mà có chăng chỉ là kiểm điểm tập thể.
Tuy nhiên, cũng cần điều chỉnh để thấy trách nhiệm của mỗi đại biểu khi nhấn nút bỏ phiếu phải công tâm, cân nhắc, nâng cao vai trò trách nhiệm của mình với mỗi lá phiếu.
Còn nếu nói trách nhiệm theo kiểu buộc người này người khác phải thôi việc hay chịu trách nhiệm thì rất khó.
Từ trước tới nay chưa bao giờ chúng ta xử lý trách nhiệm cá nhân. Kể cả những vụ tham ô, thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước nhưng rồi cũng có quy được trách nhiệm cho ai đâu?. Cuối cùng cũng kiểm tập thể.
Luật mà không quy trách nhiệm cho ai thì luật không thể đi vào cuộc sống được. Tuy nhiên cái vướng từ trước tới nay là chúng ta không rõ ràng cả quyền và trách nhiệm nên rất khó.
- Thưa ông như thế có nghĩa là cần thiết phải quy định trách nhiệm cá nhân trong Luật. Vậy đối với người quyết định chủ trương đầu tư ở đây là Quốc hội, mà với mỗi dự án sẽ là biểu quyết thông qua, không lẽ cả 500 đại biểu phải chịu trách nhiệm thì xử lý kiểu gì, thưa ông?
Đúng là phải điều chỉnh. Trước hết là các thông số dự án phía cơ quan quyết định đầu tư phải cung cấp đầy đủ cho đại biểu. Sau khi đại biểu phân tích rồi mới ra một nghị quyết để thông qua chủ trương làm dự án.
Như dự án đường sắt cao tốc chẳng hạn. Khi Quốc hội bàn thì thấy dự án quá lớn, không thể quyết định ngay được. Nói như vậy để thấy có những dự án không thể quyết định ngay được.
Thông tin không đầy đủ thì đại biểu cũng không thể quyết định thông qua, giám sát hay chất vấn được
Theo ông về trách nhiệm của chính Quốc hội trong việc quản lý, giám sát chi tiêu hiệu quả ngân sách quốc gia cần được quy định như thế nào. Những chương trình, dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư vậy khi xảy ra tình trạng tham nhũng, lãng phí cần truy trách nhiệm ra sao?
Quốc hội hiện nay đã có Luật giám sát, còn Hội đồng nhân dân thì chưa có luật giám sát. Luật giám sát phải đi vào cụ thể, có cơ chế, giám sát phải có kết luận, kiến nghị và người được kiến nghị phải thực hiện. Nếu anh không thực hiện được thì luật phải quy định phải chịu trách nhiệm như thế nào.
Hiện nay Luật quy định chung chung giao trách nhiệm cho Quốc hội, hội đồng nhân dân nhưng lại chưa có cơ chế ràng buộc cho những người bị giám sát và được giám sát.
Với cơ chế hiện nay đại biểu Quốc hội làm sao dám có ý kiến với một ông chủ tịch tỉnh hay chủ tịch huyện? Hiện vai trò của đại biểu nói đúng thực tế là không thực hiện được điều này.
Các nước tư bản chủ nghĩa các nghị sĩ có quyền yêu cầu ông thị trưởng dừng dự án này, công việc kia được ngay nếu họ thấy có vấn đề. Nhưng ở Việt Nam thì chưa làm được. Vai trò của đại biểu không lớn, không can thiệp được ở cơ quan nào.
Vì vậy tôi cho rằng phải có cơ chế ràng buộc thì mới có thể quy trách nhiệm rõ ràng được.
Theo Bích Ngọc