“Lấy dân làm gốc” – quan điểm trị nước không bao giờ lỗi thời
Đối với các DN xây dựng, khi công trình được nghiệm thu khối lượng, ngành thuế tính và thu thuế ngay, trong khi đó, DN vẫn chưa được nhà nước trả tiền, có công trình nợ tới 3-4 năm với giá trị cả nghìn tỷ.
- 31-10-2013Kinh tế Việt Nam đã qua giai đoạn khó khăn nhất
- 31-10-2013Chính phủ cần có thêm biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp
Sáng ngày 31/10/2013, Quốc hội đã có phiên thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kinh tế - xã hội năm 2013, giai đoạn 5 năm (2011 – 2015), kết quả thực hiện Đề án tái cơ cấu nền kinh tế và kế hoạch năm 2014.
Những thành tựu mà nền kinh tế Việt Nam đã đạt được cho đến nay đều được các đại biểu công nhận. Tuy có một số ý kiến cho rằng báo cáo của Chính phủ chưa phản ánh toàn diện thực tế cho lắm, ví dụ như việc GDP 9 tháng đầu năm tăng 5,14% cao hơn cùng kỳ năm ngoái là rất đáng nghi ngờ. Tăng trưởng tín dụng vẫn thấp, ngân sách thì bội chi, Doanh nghiệp chết hàng loạt, còn Doanh nghiệp thành lập mới chủ yếu là một hình thức “thoát xác để vay nợ mới” mà thôi. Cho nên, cơ quan quản lý cần có những đánh giá đúng tình hình hơn để cho một liều thuốc nặng hơn.
Song, trong giai đoạn khó khăn như thế, vẫn có đến 11/15 chỉ tiêu hoàn thành, đó đâu thể là kết quả của một nỗ lực bình thường.
Bên cạnh sự ghi nhận này, rất đông các đại biểu nêu ý kiến phải tăng cường hơn nữa tư tưởng “lấy dân làm gốc” cho những người lãnh đạo các cấp, các ngành.
Đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) cho rằng “2 đề án lương và chính sách rất cần phải tập trung làm mà lại không làm”. Kinh tế khó khăn, người dân là đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp khi chất lượng đời sống đi xuống. Cái mà người ta có thể trông chờ đầu tiên là lương. Cho nên Chính phủ phải tập trung tháo gỡ ngay vấn đề này cho nhân dân.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền của tỉnh Lâm Đồng chỉ thẳng hiện trạng quan liêu, tham nhũng của các cơ quan chính quyền khi có những vấn đề mà người dân băn khoăn cả chục năm trời vẫn không ai giải quyết. Ông cho rằng bộ máy quan liêu tham nhũng có thể sẽ là khiến cho nhân dân “dựa giặc giết ta”, đe dọa đến tình hình an ninh quốc gia. Rất nhiều đại biểu khác cũng cho rằng tham nhũng, dùng tiền đầu tư công để đầu tư riêng là vấn nạn phải bị tiêu diệt.
Bổ sung cho ý kiến cần phải “khoan thư sức dân” mà thực hiện chính sách, đại biểu Hoàng Đăng Quang (Nghệ An) nêu lên vấn đề về nợ đọng xây dựng cơ bản của Nhà nước với doanh nghiệp. Đây cũng là nỗi băn khoăn mà chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc bày tỏ trong cuộc đối thoại với Bộ tài chính về thuế và Hải quan trong ngày 30/10. Đối với các doanh nghiệp xây dựng, khi công trình được nghiệm thu khối lượng, ngành thuế tính và thu thuế ngay. Trong khi đó, DN vẫn chưa được nhà nước trả tiền. Có công trình nợ tới 3-4 năm với giá trị cả nghìn tỷ. Thế thì DN lấy đâu ra tiền mà sống?
Kết chung, ý kiến của các đại biểu trong sáng hôm nay, tức ý kiến của những người đại diện cho nhân dân đều có chung một tư tưởng: kinh tế khó khăn thì dân yếu, mà dân yếu thì nền kinh tế càng tiếp tục khó khăn. Thuế mà người dân và Doanh nghiệp đóng là nguồn thu chính của Ngân sách nhà nước. Bởi vậy, việc “bồi bổ sức dân” quả không thể không đưa lên hàng đầu.
Hải Minh