MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lo 'chảy máu' nhân sự khi tham gia AEC

Ngày 24/2, Navigos Search (Cty hàng đầu Việt Nam về cung cấp các dịch vụ tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao) công bố báo cáo về các cơ hội dịch chuyển lao động đối với nhân sự cấp trung người Việt khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập.

Báo cáo được tiến hành với ứng viên tại Việt Nam, Thái LanSingapore. Theo đó, trong thời gian tới, doanh nghiệp (DN) Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với sự thiếu hụt nhân sự cấp trung. Theo báo cáo, có đến 48% người tham gia khảo sát tại Việt Nam cho biết, sẽ ở lại tại nước đến làm việc nếu có cơ hội, trong khi tỷ lệ này tại Thái Lan là 32% và Singapore là 40%.

Mặc dù đây chỉ là số liệu trong một cuộc khảo sát có quy mô cấp công ty, tuy nhiên, số liệu này dự báo một viễn cảnh không quá xa một khi nhân sự cấp trung người Việt tự tin và sẵn sàng tìm kiếm việc làm tại các nước trong khu vực. Do đó, các DN Việt Nam có thể phải đối mặt với sự “chảy máu” nhân sự cấp trung có chuyên môn giỏi và kinh nghiệm lâu năm.

Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc điều hành Navigos Search nhận định: “Việc đội ngũ nhân sự cấp trung người Việt Nam sẵn sàng dịch chuyển nếu có cơ hội việc làm và cũng sẵn sàng ở lại nước tiếp nhận nếu có cơ hội, cho thấy các DN Việt Nam sẽ phải đối diện với vấn đề chảy máu chất xám, nhất là về đội ngũ nhân sự cấp trung”.

Tuy nhiên, cũng theo bà Vân Anh, các DN Việt Nam cũng sẽ đứng trước những cơ hội lớn khi có khả năng tiếp nhận những nhân sự giỏi đến từ các nước khác trong khu vực. Điều này đặt ra cho DN Việt Nam câu hỏi là liệu họ đã sẵn sàng cho việc đa dạng trong văn hóa DN cũng như đội ngũ quản lý đã được trang bị đủ các kỹ năng để quản lý nhân sự đến từ các nền văn hóa khác nhau trong khu vực hay chưa.

Theo Navigos Search, Singapore là điểm đến để làm việc hấp dẫn nhất đối với nhân sự cấp trung người Việt Nam. Số liệu của bản khảo sát này cho thấy, có đến 71% người tham gia khảo sát tại Việt Nam chọn Singapore là điểm đến tốt nhất để làm việc. Cơ hội làm việc tại Singapore sẽ đem đến cho họ mức lương, thưởng cao hơn, cơ hội nghề nghiệp phát triển tốt hơn và khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.

Cũng theo báo cáo này, nhân sự cấp trung người Việt chưa hoàn toàn sẵn sàng trước các cơ hội di chuyển việc làm trong AEC. Mặc dù người tham gia khảo sát tại Việt Nam thể hiện việc mong muốn được sang nước khác trong khu vực làm việc, nhưng trên thực tế, số liệu của khảo sát cho thấy, họ chưa có sự chuẩn bị sẵn sàng đối với việc dịch chuyển này.

Trong tổng số người tham gia khảo sát tại Việt Nam, có đến 70% người có kinh nghiệm làm việc từ 5 năm đến trên 20 năm. Tuy nhiên, có đến 67% người tham gia khảo sát cho biết họ cần cải thiện khả năng tiếng Anh. Đồng thời, việc tạo và cập nhật thông tin về hồ sơ cá nhân trên các trang thông tin việc làm chuyên nghiệp trực tuyến cũng chưa được họ chú ý khi có 59% người tham gia khảo sát cho rằng họ cần phải làm việc này. Việc thiếu hụt những kỹ năng nêu trên khiến cho các ứng viên người Việt có khả năng bị mất lợi thế cạnh tranh ngay tại Việt Nam, chưa kể đến khả năng mất nhiều cơ hội khi muốn dịch chuyển sang các nước trong AEC để làm việc.

Báo cáo của Navigos Search cũng cho thấy, thế mạnh của nhân sự cấp trung người Việt chưa thực sự là lợi thế cạnh tranh. Khả năng học hỏi nhanh – chăm chỉ và thích ứng nhanh với sự thay đổi là những thế mạnh mà người tham gia khảo sát tại Việt Nam tự đánh giá về mình. Trong khi đó, người tham gia khảo sát tại Singapore tự đánh giá họ có thế mạnh về kỹ năng tiếng Anh - tư duy làm việc mang tính toàn cầu và khả năng làm việc độc lập.

Có thể thấy, các thế mạnh tự đánh giá của người tham gia khảo sát tại Việt Nam không có nhiều lợi thế nổi trội để có thể giúp họ tự tin với các cơ hội dịch chuyển việc làm mang tính quốc tế khi AEC được thành lập.

Theo Phong Cầm

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên