MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lo “sức khỏe” doanh nghiệp trước các FTA

Đó là nhận định của PGS. Nguyễn Mạnh Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển DN (INBUS) trong cuộc trao đổi với Báo Hải quan xoay quanh chủ đề “sức khỏe” của các DN Việt Nam đến đâu trước thách thức của một loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA) đang đến gần.

Việt Nam vừa ký kết 2 Hiệp định thương mại tự do là FTA Việt Nam -Hàn Quốc và FTA Việt Nam - Liên minh kinh tế Á-Âu cùng nhiều FTA khác dự kiến sẽ được ký kết trong tương lai gần. Ông nhận định như thế nào về tình hình “sức khỏe” của DN trước “làn sóng” FTA này?

Trong thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ các DN. Tuy nhiên, cùng với các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ cũng cần phải nói đến một yếu tố nữa, đó là sự nỗ lực và nội lực của DN. Một trong những yếu tố đó là khả năng sử dụng nguồn lực của mình. Chúng tôi đang nghiên cứu chỉ số mà không nhiều người quan tâm đó là năng lực hấp thụ của DN. Năng lực hấp thụ ở đây gồm nhiều vấn đề trong đó có năng lực hấp thụ chính sách. Chính phủ ban hành nhiều chính sách rồi nhưng dường như DN không thể chuyển hóa được những chính sách đó. Cho nên chính sách vẫn có, hành lang vẫn có, nhưng không có ai đi trên đó.

Chúng ta có thể thấy trong vấn đề công nghệ, Chính phủ đã chuyển giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ một quỹ có số vốn 500 tỷ đồng để tài trợ vốn cho các DN ứng dụng khoa học công nghệ nhưng DN lại không tận dụng. Ở góc độ khác có thể thấy, ở một số DN trước khi tiếp nhận công nghệ mới kinh doanh rất tốt nhưng sau khi mua các thiết bị hiện đại DN rơi vào tình trạng nợ nần, không thanh toán được do không sử dụng hết công suất và không khai thác tối đa tiềm năng của công nghệ.

Như vậy, rõ ràng là hiện nay các DN chưa thực sự đánh giá được năng lực của mình. “Kêu” Chính phủ, Chính phủ đã hỗ trợ nhưng các nguồn lực của Chính phủ hỗ trợ cho DN lại chưa được DN phát huy hiệu quả và chính DN chưa hấp thụ được các yếu tố thuận lợi mà Chính phủ đã tạo cho.

Nói như vậy nghĩa là “sức khỏe” của DN đang bấp bênh, thưa ông?

Đánh giá về tình hình “sức khỏe” của DN hiện nay rất khó nói. Bản thân DN cũng chưa thực sự biết rằng “sức khỏe” của mình như thế nào. Hiện chưa có một thước đo đánh giá nào, công cụ nào để và cơ quan nào đứng ra đánh giá năng lực của DN trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu theo chuẩn quốc tế. Chính vì thế, nói rằng “sức khỏe” của DN hiện nay yếu thì cũng đúng nhưng mà là cảm tính.

Hiện chúng tôi đang triển khai bộ tiêu chí có tên gọi là Chỉ số tín nhiệm trong DN vừa và nhỏ (CIS) theo chuẩn ASEAN để đánh giá cho DN Việt. Đánh giá này phản ánh 6 tiêu chí khác nhau về năng lực.

Một là tiêu chí về thị trường. Nếu dựa vào tiêu chí thị trường thì thấy ngay rằng kiến thức kinh nghiệm của DN Việt Nam về thị trường mở trong thời gian tới rất yếu. Thống kê cho thấy tới 80% DN chưa sẵn sàng cho việc tham gia thị trường mới.

Hai là đầu tư cho  công nghệ manh mún. Những số liệu của Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương cũng cho thấy quy mô DN càng ngày càng nhỏ.

Ba là, cho đến nay hầu như DN không có trình độ đào tạo kiến thức về quản lý kinh tế thị trường theo bối cảnh mới. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có nhiều chương trình hỗ trợ đào tạo hàng năm cho DN để nâng cao khả năng quản trị DN nhưng việc triển khai các lớp cũng khó khăn bởi các DN không mặn mà.

Bốn là năng lực tổ chức quản lý. Chúng ta biết phần lớn DN Việt quản lý theo mô hình gia đình và cấu trúc tổ chức bên trong phần nào đó cũng ảnh hưởng của mô hình quản lý nhỏ, chưa thể hiện được tư tưởng mới, phương pháp quản lý mới trong gian đoạn hiện nay, nhất là với khái niệm toàn cầu hóa 2.0. Vấn đề như vậy đang là thách thức với DN.

Năm là tình hình tài chính. Đây cũng là một thước đo nữa về sức khỏe của DN. Tôi thấy rằng sức khỏe của DN Việt Nam rất yếu.

Sáu là tầm nhìn. Như tôi đã nói những yếu tố liên quan đến thị trường mở, làm sao để hội nhập thì hầu như DN chưa có. DN hiện đang dành hết mối quan tâm cho thị trường nội địa, chưa tính tới những yếu tố liên quan đến thị trường mở. Với 6 thước đo của chỉ số tín nhiệm cho thấy tình hình sức khỏe của DN Việt Nam thật đáng lo ngại.

Trước các FTA sắp có hiệu lực và chuẩn bị ký kết, tiêu chí cạnh tranh không còn nằm trong phạm vi quốc gia mà là khái niệm khu vực. Nhiều chuyên gia khuyên DN cần liên kết với nhau. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Hoàn toàn đúng như vậy. Quá trình toàn cầu hóa đã diễn ra từ những năm 60-70-80 của thế kỷ trước và trải qua các thời kỳ khác nhau, từ toàn cầu hóa 1.0 đến toàn cầu hóa 2.0. Toàn cầu hóa 1.0 là mô hình phát triển dưới hình thức DN liên kết với nhau ở các vùng địa lý khác nhau mà điển hình là công ty đa quốc gia, xuyên quốc gia. Rõ ràng với mô hình đó cho đến nay, chúng ta phải trải nghiệm nhiều bài học xương máu.

Trong xu thế toàn cầu hóa 2.0, các DN liên kết với nhau và chỉ có thể liên kết thành mạng lưới mới có thể tồn tại được, cho nên việc tham gia vào mối liên kết này là một tất yếu không thể tránh khỏi.

Vậy ông bình luận gì về xu thế một số DN Việt tìm hướng mở rộng đầu tư ra nước ngoài nhằm đón đầu cơ hội của Cộng đồng kinh tế ASEAN cũng như các FTA? Tại sao DN Việt lại không liên kết với DN trong nước để cùng nâng cao năng lực?

Tôi đồng ý với nhận định là DN Việt Nam còn xem nhẹ mối quan hệ với các DN trong nước. DN Việt tìm đối tác nước ngoài có 2 lý do, một là họ nhìn thấy đấy là cơ hội để họ phát triển thị trường bên ngoài, hai là trên cơ sở đó thu hút được các nguồn đầu tư để giải quyết bài toán vốn, thu hút được công nghệ.

Đây hoàn toàn là đúng đắn nhưng có một điều rất rõ trong quản lý kinh tế Việt Nam đó là phong cách quản lý theo mô hình làng nghề. Làng nghề là một mô hình thu nhỏ các mối quan hệ kinh tế của các DN Việt Nam, nghĩa là DN tự thân tự lập để xây dựng công việc kinh doanh và sự liên kết với nhau là yếu, chính vì thế không tạo ra được sản phẩm công nghệ cao. Điều này hoàn toàn trái với mô hình mà ta thấy ở một số quốc gia như Nhật, Ý… Tôi cho rằng điều này là điều cần xem xét lại, các DN cần suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề này.

Xin cảm ơn ông!

Theo An Tư

Báo Hải Quan

Trở lên trên