Lộ trình cắt giảm thuế giai đoạn 2015-2020 theo các FTA đã ký kết
"Việt Nam đã thực hiện lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu theo đúng cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, đa phương và đang tiếp tục xây dựng, chuẩn bị ban hành lộ trình giảm thuế giai đoạn 2015-2020".
Việt Nam đã thực hiện một nửa chặng đường về cắt giảm thuế quan từ năm 1999 đến 2014, như vậy trong giai đoạn tới 2015-2020, lộ trình cắt giảm thuế quan của chúng ta sẽ như thế nào, thưa ông?
Hầu hết các hiệp định của Việt Nam đều có lộ trình cam kết trong vòng 10 năm, nhưng do thời điểm bắt đầu thực hiện cam kết khác nhau nên giai đoạn kết thúc của từng hiệp định khác nhau.
Trong giai đoạn 2015-2020, các hiệp định như ASEAN, ASEAN – Trung Quốc, ASEAN – Hàn Quốc có mức độ giảm sâu nhất và đạt đến mức cam kết cuối cùng. Các hiệp định khác như ASEAN – Australia – New Zealand, ASEAN – Nhật Bản, ASEAN - Ấn Độ, Việt Nam – Nhật Bản và Việt Nam – Chi Lê sẽ có mức độ, lộ trình giảm thuế dài hơn, tới các mốc như năm 2022 (FTA ASEAN – Australia – New Zealand), năm 2025 (FTA ASEAN – Nhật Bản), năm 2030 (FTA Việt Nam – Chi Lê).
Lộ trình cắt giảm thuế quan trong giai đoạn này có tác động như thế nào đến hàng hóa của Việt Nam?
Một số ngành nông sản mà ta có lợi thế có thể có lợi ích từ việc hội nhập. DN có các nguồn nguyên liệu tốt, rẻ hơn làm đầu vào cho sản xuất, giảm chi phí đối với hàng hóa XK. Bên cạnh đó, một số nhóm ngành dự báo sẽ bị ảnh hưởng do cạnh tranh từ các thị trường bên ngoài từ việc thực hiện lộ trình giảm thuế.
Tuy nhiên cũng có một số mặt hàng nhạy cảm bị tác động mạnh hơn trong lộ trình này. Ví dụ như mặt hàng ô tô, theo cam kết của ASEAN, ngày 1-1-2018, Việt Nam sẽ phải cắt giảm thuế suất các mặt hàng ô tô về 0%. Đây là mức cam kết tự do hóa cao nhất trong các FTA mà Việt Nam đã ký kết. Đối với các FTA còn lại, mặt hàng ô tô được bảo hộ ở mức thuế suất MFN hiện hành, ngoại trừ với Trung Quốc ta đã cam kết cắt giảm thuế suất 50% vào năm 2020.
Cùng với 8 FTA đã ký kết, Việt Nam đang tham gia đàm phán 6 FTA nữa. Ông có nhận định như thế nào về tác động của những FTA mới này đến hoạt động của DN nói chung?
Như trên tôi đã nói, với lộ trình cắt giảm thuế quan của các FTA đã ký kết, một số ngành nông sản mà ta có lợi thế có thể có lợi ích từ việc hội nhập để có các nguồn nguyên liệu tốt, rẻ hơn làm đầu vào cho sản xuất, giảm chi phí đối với hàng hóa XK. Tuy nhiên, điều này không thể phủ định được việc DN phụ thuộc ngày càng cao vào các nguồn nguyên liệu NK và giảm đầu tư cho sản xuất cung cấp hàng hóa trong nước.
Nguy cơ phụ thuộc này sẽ ngày càng tăng khi mức độ ưu đãi về thuế ngày càng cao từ các thị trường. Tuy nhiên với việc đưa ra lộ trình giảm thuế dài hơn và các FTA thế hệ mới với mức cam kết cao như TPP, Việt Nam – EU, Việt Nam – Liên minh Hải quan có thể phần nào làm cân bằng tỷ trọng giữa các đối tác. Các quy định chặt chẽ về quy tắc xuất xứ của FTAs thế hệ sau có thể sẽ là một công cụ giúp cho đầu tư và sản xuất trong nước ở một số ngành được tăng cường.
Xin cảm ơn ông!
Từ ngày 1-1-2015, Việt Nam sẽ cắt giảm thêm 1.720 dòng thuế từ thuế suất hiện hành 5% xuống 0% theo cam kết Hiệp định thương mại tự do ASEAN (ATIGA). Như vậy, năm 2015, sẽ chỉ còn 7% dòng thuế, tương đương trên 600 mặt hàng được xem là nhạy cảm nhất chưa cắt giảm về 0%. Trong số các mặt hàng nhạy cảm, Việt Nam cân nhắc một số nhóm hàng đặc biệt nhạy cảm như sắt thép, ô tô, linh kiện phụ tùng ô tô, rượu bia… sẽ kéo dài thời gian cắt giảm thuế xuống 0% vào năm 2018. Riêng hai mặt hàng xăng dầu và thuốc lá đã và đang được đàm phán trong ASEAN để có lộ trình thực hiện giảm thuế kéo dài sau 2018. Đặc biệt, Việt Nam đã đàm phán để bảo lưu mức thuế NK 5% đối với một số nhóm mặt hàng đặc biệt nhạy cảm trong nông nghiệp, đó là các muối, đường, thịt gà, thịt lợn, trứng, các loại hoa quả nhiệt đới như cam, quýt… |
>>>Cam kết thuế trong các FTA đã ký kết