MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Loạn nhận định kinh tế

Các nhận định tốt lẫn xấu đan xen trong mỗi số liệu kinh tế, mỗi quan điểm bình luận về diễn biến thị trường hiện nay.

Giữa các nhận định trái chiều như vậy, nhiều DN chắc chắn sẽ khó có thể nắm bắt được xu hướng của nền kinh tế để lên kế hoạch đối phó.

Khoảng 3 tháng nay, Công ty HT – DN chuyên sản xuất bao tải dứa tại một tỉnh phía Nam, phải tăng ca, chạy hết công suất thiết bị để đáp ứng các đơn hàng của DN và đối tác phân phối. Giám đốc công ty cho biết, nhiều mặt hàng nông sản như gạo, cà phê, hồ tiêu được giá khiến người trồng và DN xuất bán nhiều, làm tăng nhu cầu đối với mặt hàng bao bì.

Chỉ tính trong khoảng thời gian từ sau Tết Nguyên đán đến nay, giá cà phê đã tăng hàng trăm USD/tấn. Gạo cũng xuất bán rất tốt sang Trung Quốc… Tuy nhiên, tình hình hiện nay liệu có ổn định được trong một thời gian hay không, với vị giám đốc nọ là câu hỏi lớn. Không dám mạnh dạn mở rộng đầu tư, ông mua thêm sản phẩm từ DN bạn để cung cấp cho bạn hàng.

Các thông tin về kinh tế trong thời gian gần đây đang khiến nhiều DN “điên đầu”. Kinh tế hồi phục là cụm từ hay được dùng trên báo chí. Các con số thống kê cũng phảng phất hơi hướng này, như tăng trưởng công nghiệp nhúc nhích đi lên, nhập siêu vừa cho thấy một tháng tăng vọt trở lại như thời nền kinh tế phát triển nóng.

Nhiều nguồn phân tích nói rằng, nhập khẩu mạnh cho thấy rõ sự phục hồi của sản xuất. Các chỉ tiêu liên quan đến đơn hàng các lĩnh vực xuất khẩu cũng khá khả quan như với dệt may, da giày... Rồi các tổ chức quốc tế đều nhận định tin tưởng ở sự hồi phục của nền kinh tế trong năm nay.

Nhưng thực tiễn lại có dấu hiệu ở chiều ngược lại, nhiều DN trong nước vẫn cảm nhận khó khăn đầy rẫy quanh mình. Tăng trưởng tín dụng là chỉ tiêu cho thấy rõ các DN trong nước sang năm nay chưa mặn mà lắm với mở rộng sản xuất kinh doanh. Chỉ tiêu tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vừa được công bố cũng đã tăng cao hơn so với trước.

Lạm phát với dấu hiệu tham khảo là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đang tăng so với tháng liền kề trước đó ở mức thấp kỷ lục trong 10 năm qua, đưa đến nhiều nhận định về cầu nội địa tiếp tục yếu. Nhìn trung hạn, khả năng kinh tế tăng trưởng đột biến rất khó xảy ra, ít nhất là trong năm nay. Chính vì thế, không thiếu DN vẫn chưa thoát khỏi tâm lý phòng thủ đã xuất hiện từ các năm trước vẫn tiếp tục kéo dài.

Các nhận định tốt lẫn xấu đan xen trong mỗi số liệu kinh tế, mỗi quan điểm bình luận về diễn biến thị trường hiện nay. Như xuất khẩu tốt chủ yếu từ phía DN ngoại đóng góp nhưng lại là khối không tạo nhiều giá trị gia tăng cho nền kinh tế nước chủ nhà. Hay công nghiệp tăng mạnh chủ yếu ở các ngành như dệt may; xe có động cơ; điện tử, máy tính… cũng đều là khu vực DN ngoại chiếm tỷ trọng lớn.

Ngược lại, các ngành DN nội địa giữ vai trò chi phối lại chưa có nhiều cải thiện. Xuất khẩu gạo được cho là chủ yếu qua Trung Quốc nên lợi ích đem lại không nhiều, chưa kể luôn trong tình trạng bấp bênh. Cà phê lên giá có phần do mất mùa ở các quốc gia cung cấp lớn và chính sách tạm trữ hỗ trợ…

Giữa các nhận định trái chiều như vậy, nhiều DN chắc chắn sẽ khó có thể nắm bắt được xu hướng của nền kinh tế để lên kế hoạch đối phó. Việc mở rộng đầu tư, thuê thêm lao động sẽ ngày càng khó đi đến quyết định cuối cùng.

Cũng như Công ty HT nói trên, sự thành công của DN giai đoạn vừa qua đóng góp ít nhiều vào tăng trưởng của cả nền kinh tế, nhưng chỉ được nhìn nhận như là giai đoạn thuận lợi bất thường, chưa phải chỉ báo cho một cơ hội làm ăn mới để lấy lại những gì đã mất trước đây. Và khi lòng tin vào phục hồi chưa chắc chắn và rõ ràng, DN sẽ còn tiếp tục trông ngóng.

Hiềm một nỗi, nếu kinh tế phục hồi thực tế hơn, cụ thể bằng số đơn đặt hàng, dòng tiền tăng vòng quay… như dự báo của nhiều tổ chức nghiên cứu, chuyên gia từ đầu năm đến nay thì DN mới dám “vững tâm hơn” khi phải ra quyết định vay vốn để cơ hội kinh doanh không vuột mất.

Nhưng đến giờ, nhiều DN vẫn chưa thấy cơ hội hay tín hiệu của sự phục hồi. Xin hỏi các tác giả báo cáo đánh giá tình hình, một số chuyên gia: “Cơ hội của chúng tôi trốn ở đâu?”.

Theo Anh Quân

cucpth

Thời báo Ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên