‘Lọc’ ưu đãi vốn ngoại
Theo TS Nguyễn Mại, cần phải sửa đổi, bổ sung chính sách ưu đãi đối với các dự án FDI theo nguyên tắc không chỉ ưu đãi theo ngành, lĩnh vực mà gắn với vùng.
Chèn lấn doanh nghiệp nội
Theo báo cáo 6 tháng đầu năm nay của Ban Quản lý các khu công nghiệp - khu chế xuất (Hepza) TP.HCM, trong tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được cấp phép là 264,67 triệu USD thì vốn đầu tư vào dệt may chiếm hơn 80%, với gần 200 triệu USD. Hepza nhận định, dự báo thị trường dệt may toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,5% cùng với việc ký kết TPP nên các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư những dự án lớn để đón đầu cơ hội.
Một số dự án được đăng ký từ British Virgin Islands hay Samoa, nhưng thực chất phía sau đó là những nhà đầu tư Trung Quốc và Đài Loan. Ví dụ dự án may của Công ty TNHH Wolrdon VN có vốn đăng ký 140 triệu USD là thuộc Tập đoàn may Trung Quốc Shenzhou International, hay dự án dệt vải của Công ty TNHH Sheico VN có vốn 50 triệu USD là thuộc Tập đoàn Sheico Đài Loan…
|
Là người "trong cuộc", nhưng ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, cho biết ông và các doanh nghiệp (DN) dệt may tại TP.HCM rất ngạc nhiên khi nghe thấy thông tin này, bởi trong những năm vừa qua TP luôn có chủ trương hạn chế thu hút đầu tư vào những ngành thâm dụng lao động như dệt may.
Chính vì điều đó, nhiều DN trên địa bàn đã mở rộng đầu tư ra những tỉnh thành khác thay vì tập trung ở tại thành phố. “Ngành may mặc không đòi hỏi vốn hay công nghệ cao nên các DN trong nước hoàn toàn có thể thực hiện được. Tuy nhiên, với việc xuất hiện ngày càng nhiều của các DN FDI thì sự cạnh tranh ngày càng gay gắt về đơn hàng, lao động. Đặc biệt, các dự án FDI đều có ưu đãi trong khi các DN may trong nước thì không, nên các DN vừa và nhỏ ngày càng teo tóp trong khi DN nước ngoài khai thác được lợi thế nhân công của chúng ta”, ông Phạm Xuân Hồng nói.
Theo ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty sản xuất thương mại may Sài Gòn, hiện các DN FDI trong ngành may tại VN có quy mô lớn, đầu ra thuận lợi nên sự cạnh tranh với các DN trong nước khá gay gắt. Đặc biệt, sự cạnh tranh về nguồn lao động ngày càng khốc liệt hơn khi lực lượng này ngày càng thiếu hụt. Bản thân các DN trong nước có thừa kinh nghiệm và khả năng sản xuất kinh doanh may mặc và phụ liệu. Vì vậy, chúng ta nên hạn chế thu hút đầu tư FDI trong lĩnh vực này. Chỉ nên khuyến khích đầu tư trong dệt, nhuộm vì đây là lĩnh vực yêu cầu đầu tư với nguồn vốn lớn và công nghệ cao mà DN trong nước chưa đáp ứng được.
Hạn chế FDI vào dệt may ?
Theo TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN FDI (nguyên Thứ trưởng Bộ KH-ĐT), các địa phương nên tập trung thu hút các dự án công nghệ cao, dịch vụ cao, nhất là những thành phố lớn như TP.HCM và Hà Nội. Những dự án dệt may nên đưa về các tỉnh kém phát triển về công nghiệp. Bên cạnh đó, Trung Quốc có chủ trương rất rõ là đưa các dự án dệt nhuộm vào VN để đón đầu cơ hội từ TPP mà nước này không phải là thành viên, nên từ đầu năm tới nay VN đón nhận 4 - 5 dự án dệt nhuộm.
Chính phủ cần đưa ra chỉ dẫn có nên tiếp nhận ồ ạt những dự án của Trung Quốc hay phải có sự chọn lọc một cách cẩn thận. “Chính phủ cần có chính sách rõ ràng để dành những lĩnh vực mà DN trong nước có thể làm được như may mặc. Nếu dành hết ưu đãi cho các dự án nước ngoài thì chúng ta sẽ phải trả giá”, TS Nguyễn Mại nói.
Cũng theo TS Nguyễn Mại, cần phải sửa đổi, bổ sung chính sách ưu đãi đối với các dự án FDI theo nguyên tắc không chỉ ưu đãi theo ngành, lĩnh vực mà gắn với vùng. Ví dụ, với các dự án sử dụng nhiều lao động có tỷ lệ xuất khẩu cao thuộc ngành may mặc, giày da, túi xách… thì sắp tới hạn chế ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và chỉ khuyến khích đầu tư vào các địa phương mà kinh tế còn kém phát triển.
Còn chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, về lý thuyết, hạn chế dự án thâm dụng lao động vào các thành phố lớn là đúng, nhưng trên thực tế các tỉnh thành đều muốn có FDI để thúc đẩy tăng trưởng nên tỉnh nào cũng cạnh tranh để thu hút nhiều dự án FDI. Tuy nhiên, các địa phương cấp dự án FDI dệt may cần phải có chọn lọc.
Những dự án nào phù hợp với điều kiện môi trường thì hãy chấp nhận, chứ không sẽ "rước" ô nhiễm vào VN. Đối với riêng các dự án dệt, nhuộm thì xem xét cẩn thận bởi lĩnh vực này gây ô nhiễm rất ghê gớm. Hầu hết các dự án dệt nhuộm tập trung về các tỉnh nên Chính phủ cần hỗ trợ các địa phương rà soát dự án để tránh gây tổn hại đến môi trường.
Từ đầu năm đến nay, nhiều dự án FDI dệt may đăng ký đầu tư vào VN để tranh thủ cơ hội TPP. “Hạn chế hay không những dự án dệt may là vấn đề gây tranh cãi, do để tham gia vào TPP VN phải nâng cao hàm lượng nội địa dệt may lên 70%. Các dự án FDI dệt may vào là để gia tăng hàm lượng này, đồng thời tạo công ăn việc làm và tăng kim ngạch xuất khẩu, dù không phải là lĩnh vực công nghệ cao. Nhưng VN cần cấp phép cho những dự án dệt may có chọn lọc, ngoài vấn đề môi trường còn đảm bảo cơ hội cho các DN trong nước phát triển”, ông Doanh nói.
DN FDI chiếm 60% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may Không chỉ riêng TP.HCM, các dự án FDI trong lĩnh vực dệt may cũng đang ồ ạt triển khai ở nhiều tỉnh thành trên cả nước như Công ty may mặc Venture - Hà Lan vừa xin cấp phép để khởi công xây dựng nhà máy may hàng xuất khẩu, với sản phẩm chính là sơ mi và jacket tại tỉnh Nghệ An. Giữa tháng 4.2014, Long An chấp thuận chủ trương cho Công ty Huafa Hồng Kông triển khai đầu tư dự án nhuộm bông, kéo sợi màu với tổng vốn khoảng 136 triệu USD. Tập đoàn dệt may Yulun Giang Tô (Trung Quốc) vừa được UBND tỉnh Nam Định cấp phép đầu tư nhà máy theo quy trình khép kín từ sản xuất sợi, đến dệt, nhuộm với tổng vốn 68 triệu USD và Tập đoàn dệt may Texhong (Hồng Kông) đã khánh thành giai đoạn 1 nhà máy sản xuất sợi thứ 4 ở VN với tổng vốn 300 triệu USD tại Quảng Ninh... Hiện cả nước có khoảng 4.000 DN dệt may và số lượng DN FDI chiếm tỷ trọng không cao nhưng lại chiếm đến 60% tổng kim ngạch xuất khẩu hằng năm của ngành này. |
>> Dệt may, thủy sản tìm cách thoát khỏi sự lệ thuộc
Theo Mai Phương - Trần Tâm