Logistics “giẫm chân tại chỗ”
Cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế khiến hoạt động thương mại bị giảm khả năng cạnh tranh.
Hiện nay, cơ sở hạ tầng đó bao gồm 26 sân bay, với 8 sân bay có đường băng dài 3.000m có khả năng đón nhận các máy bay lớn, 3.200 km đường sắt quốc gia, khoảng 17.300 km quốc lộ, 49 bến cảng với 217 cầu cảng. Mặc dù tiềm năng về cảng biển cũng như dịch vụ của Việt Nam là rất lớn và có nhiều đầu tư công vào nâng cấp hạ tầng giao thông nhưng năng lực giao thông vẫn chưa theo kịp tăng trưởng xuất khẩu.Ở đây, khái niệm Logistics được hiểu là công tác hậu cần, cung ứng dịch vụ hậu cần kho bãi.
Bên cạnh việc chậm phát triển về cảng biển thì hệ thống giao thông vận tải đường bộ nhỏ hẹp, xuống cấp trầm trọng ảnh hưởng lớn đến việc trung chuyển trong hoạt động kinh doanh. Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam thống kê, tắc nghẽn đường cao tốc cũng khiến cho những người sử dụng và không sử dụng hệ thống vận tải hàng hóa phải chịu một khoản chi phí. Ước tính việc tắc nghẽn giao thông có thể khiến cho DN mất 152 triệu USD trong năm 2012 và mất 274 triệu USD trong năm 2020. Trong đó, ảnh hưởng về kinh tế của vấn đề tắc nghẽn giao thông đối với tất cả người sử dụng hệ thống ước tính là 1,7 tỷ USD mỗi năm.
Ông Phạm Minh Đức, chuyên gia kinh tế cao cấp Ngân hàng Thế giới cho biết: "Mức độ đầu tư hạ tầng giao thông vận tải hàng năm là 3,1% GDP (năm 2009- 2011), thấp hơn nhiều so với mức trung bình của các quốc gia có cùng một mức độ phát triển. Trong khi đó, dự kiến năm 2020, xuất khẩu sẽ tăng gấp 3 lần. Với tình trạng hạ tầng yếu như hiện nay vô hình chung hạ tầng đang là rào cản cho hoạt động thương mại”.
Thực tế chứng minh rõ sự yếu kém của cơ sở hạ tầng, 15 năm vừa qua Việt Nam liên tục mất cân đối giữa tăng trưởng khối lượng vận chuyển hàng hóa là 12%, tăng trưởng thương mại 18%/năm nhưng tăng trưởng đầu tư hạ tầng giao thông chỉ ở mức 0%. Đầu tư vào hạ tầng chỉ 3,1% GDP và phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư công. Ông Nguyễn Trọng Hoài, Phó hiệu trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh lý giải về nguyên nhân ì ạch trong đầu tư cơ sở hạ tầng: "Phát triển hạ tầng giao thông là đúng nhưng ngân sách của Chính phủ hạn chế vì thâm hụt nhân sách của nhà nước là 5%, nợ công 5% nên khó khăn cho việc đầu tư công vào hệ thống cơ sở hạ tầng”.
Trong khi Logistics hỗ trợ thương mại Việt Nam vẫn "giẫm chân tại chỗ” thì các quốc gia như Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan… lại tích cực đầu tư vào lĩnh vực này. Vì thế, không ít chuyên gia đã dự báo, Việt Nam sẽ mất năng lực cạnh tranh nếu như không đầu tư thêm vào hạ tầng giao thông.
Theo THANH GIANG