Lương bao nhiêu đủ nhu cầu sống tối thiểu?
Vào thời điểm 2012, mức lương "tối thiểu" khu vực doanh nghiệp theo dự tính của cơ quan chức năng, lẽ ra phải đạt 147 USD/tháng, nhưng do kinh tế khó khăn mới chỉ áp dụng được 118 USD/tháng.
Mức tiếp theo áp dụng trong điều kiện kinh tế nếu khá hơn dự tính khoảng 125 USD/tháng. Thời hạn phải điều chỉnh mức lương tối thiểu doanh nghiệp để đạt mức tối thiểu là vào 2015.
Làm thế nào để doanh nghiệp cân bằng áp lực mốc thời gian này trong điều kiện kinh tế chưa hoàn toàn thoát khó khăn trong khi quyền lợi của người lao động không bị ảnh hưởng là vấn đề phải xem xét?
Phó Vụ trưởng Vụ Lao động - Tiền lương (Bộ LĐTB&XH) Lê Xuân Thành đã nêu vấn đề trên tại hội thảo "Bộ luật Lao động 2012: Những vấn đề đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện" do báo Lao động và Quỹ hỗ trợ sáng kiến tư pháp tổ chức sáng 15/12 ở Hà Nội.
Băn khoăn mức tối thiểu
Theo ông Thành, Bộ luật Lao động 2012 so với trước đây đã có những "ưu điểm", trong đó liên quan vấn đề tiền lương quy định rõ chủ sử dụng lao động phải trả "mức lương tối thiểu đáp ứng mức sống tối thiểu" cho người lao động. Nhưng khái niệm "mức lương tối thiểu" theo luật xác định đang đặt ra vấn đề phải xem xét trong khi việc chưa xác định rõ khái niệm "mức sống tối pthiểu" khiến cho việc hoạch định, chi trả lương có vấn đề.
Cụ thể, khoản 1 điều 91 quy định: "Mức lương tối thiểu là mức thấp nhất cho người lao động làm công việc đơn giản nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ".
Chuyên gia này cho rằng, "mức lương tối thiểu" cần được hiểu là "mức sàn" để doanh nghiệp thỏa thuận tiền lương với người lao động, không được trả thấp hơn mức đó, mức này thể hiện mức an sinh xã hội, đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Như vậy mới đảm bảo "bảo vệ lợi ích" cho người lao động.
Ông Lê Xuân Thành, Vụ Lao động - Tiền lương.Ảnh: L.Thư |
"Xác định như luật hiện hành khiến doanh nghiệp lợi dụng, từ doanh nghiệp nhỏ đến lớn, doanh nghiệp làm ăn khá đến làm không hiệu quả đều bám quy định đó như cơ sở trả mức lương tối thiểu trả cho người lao động. Đó là một vấn đề" - ông Thành phân tích kẽ hở.
Trong khi đó, quy định "mức sống tối thiểu" chung, không rõ khiến khó xác định. Theo ông, mức sống tối thiểu được kết cấu bởi 3 yếu tố: lương thực thực phẩm, phi lương thực thực phẩm và chi phí cho quá trình tái sản xuất sức lao động (trong đó có vấn đề sinh con và nuôi con).
Theo tính toán, cộng 3 yếu tố trên, dự tính thời điểm 2012 mức lương tối thiểu lẽ ra phải đạt 147 USD/tháng. Nhưng thực tế kinh tế khó khăn mới chỉ đang áp dụng được khoảng 118 USD/tháng và kỳ vọng nếu tình hình chung khá lên thì sẽ điều chỉnh theo hướng đạt 125 USD/tháng.
Kết luận 23 của hội nghị Trung ương 6 năm ngoái đã đặt hạn định "điều chỉnh mức lương tối thiểu khu vực doanh nghiệp nhanh hơn để đến năm 2015 đạt mức nhu cầu tối thiểu". Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, ông Thành đặt vấn đề làm thế nào để doanh nghiệp cân bằng áp lực mốc thời gian này trong điều kiện kinh tế chưa hoàn toàn thoát khó khăn, mà quyền lợi của người lao động không bị ảnh hưởng.
Ông cho rằng cần có trao đổi 3 bên đối tác giữa doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước và người lao động để có sự cân bằng khi đưa ra phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu.
"Chúng ta cứ đòi cao quá mà doanh nghiệp không chịu được thì doanh nghiệp buộc đóng cửa. Đóng cửa thì công nhân không có việc làm. Nếu nâng lên cao quá thì doanh nghiệp cũng không có tiền phát triển sản xuất, lao động cũng không có việc làm. Cho nên phải có một phương án chung để làm sao cân bằng được lợi ích của các bên trong vấn đề điều chỉnh mức lương tối thiểu này" - ông kiến nghị.
Tăng thỏa thuận
Một trong những vấn đề tại hội thảo có nhiều ý kiến đó là cơ chế giải quyết tranh chấp lao động. Theo ông Nguyễn Duy Vy, Phó trưởng Ban chính sách pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động VN), tranh chấp, đình công lao động ngày càng gia tăng, phức tạp. Nhưng cơ chế quy định giải quyết tranh chấp vẫn vòng vèo. Ngay Hội đồng trọng tài lao động lập ra cũng chỉ làm mỗi việc hòa giải.
Trong khi đó công tác kiểm tra, xử lý nghiêm minh theo pháp luật vi phạm lao động ngày càng giảm chiều theo hướng tìm kênh khác xử lý.
Ông cho rằng, với các vi phạm lao động có thể giải quyết qua các kênh khác nhau như thương lượng nhưng vi phạm lớn thì phải xử lý nghiêm minh. Không thể để pháp luật có nhiều quy định nhưng thực hiện thì ít.
Ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng phòng pháp luật, Ban chính sách pháp luật (Tổng liên đoàn Lao động VN) nêu vấn đề xung quanh quy định quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động tại điểm a khoản 1 điều 38. Theo quy định, người sử dụng lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng khi người lao động không hoàn thành công việc.
Theo ông, nếu hiểu việc không hoàn thành nhiệm vụ được hiểu là không hoàn thành định mức, công việc được giao theo tiêu chí của người sử dụng lao động đặt ra thì quy định sẽ trở nên bất lợi cho người lao động. Do đó, luật phải quy định cụ thể những trường hợp thế nào thì được coi là không hoàn thành công việc.
Theo Linh Thư - Hồng Nhì