MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lương bao nhiêu mới đủ sống?

Thu nhập bấp bênh khiến công nhân hết sức chật vật, không thể tích lũy cho tương lai

Trước thông tin Hội đồng Tiền lương quốc gia sắp thông qua “Phương án lương tối thiểu (LTT) vùng năm 2015”, chị Lê Thị Phương Hiền, Chủ tịch Công đoàn (CĐ) Công ty T. V. P (quận 12, TP HCM), đề nghị: “Chúng tôi mong tiền lương đi sát thực tế đời sống người lao động (NLĐ) chứ đừng mang tính tượng trưng như vừa qua. 

Hiện các doanh nghiệp (DN) đều căn cứ vào tiền LTT để trả cho NLĐ và cho rằng như thế là đúng luật nhưng khi được hỏi bản thân họ có sống được bằng mức lương đó không thì không ai dám trả lời”

“Có lẽ họ cũng sống được...”

Phải thuyết phục mãi, ông T.Đ.T, Giám đốc Công ty T.V.P, mới đồng ý trao đổi với chúng tôi về tiền lương và mức sống của công nhân (CN) Công ty T.V.P và một số DN cùng ngành nghề. Ông T.Đ.T cho biết hiện mức lương trả cho CN mới tuyển dụng là 2.910.000 đồng, CN làm việc trên 1 năm thì có thu nhập khoảng 3 triệu đồng/người/tháng. Còn cán bộ quản lý từ tổ trưởng, chuyền trưởng trở lên thì tiền lương, phụ cấp hơn 5 triệu đồng/người/tháng. “Đó là chưa kể tiền tăng ca” - ông T.Đ.T. cho biết thêm. 

Khi chúng tôi hỏi có bao giờ ông suy nghĩ CN của mình sẽ sống thế nào với thu nhập đó thì vị giám đốc có vẻ ưu tư, sau đó lắc đầu: “Thú thật, tôi cũng không có thì giờ để suy nghĩ những chuyện tỉ mỉ như vậy vì còn phải lo đơn hàng, tìm đối tác, tìm nguồn nguyên liệu... Bấy nhiêu đó cũng mệt đầu lắm rồi. Không nghe CN kêu ca thì có lẽ họ cũng sống được. Mấy công ty khác cũng trả lương như vậy nên không lo CN nhảy việc”.

Chúng tôi được phép tiếp xúc với CN Công ty T.V.P trong giờ cơm trưa. Bữa ăn có thịt kho, đậu xào, trứng chiên, canh cải nấu với tôm khô. Một nữ CN tên Vân cho biết làm ở công ty được gần 2 năm, thu nhập mỗi tháng kể cả tăng ca, thưởng năng suất, chuyên cần... được hơn 4 triệu đồng. “Thu nhập như vậy không cao nhưng bù lại công ty cho ăn bữa trưa khá tươm tất, CN đỡ được một khoản chi phí. Tôi chưa có chồng con gì nên chi tiêu tiện tặn, mỗi tháng gửi về cho ba mẹ 2 triệu đồng; còn mấy chị đã có gia đình thì chật vật lắm nhưng bây giờ đi đâu cũng vậy”.

Công nhân nhập cư tại TP HCM sống rất chật vật Ảnh: HỒNG ĐÀO
Công nhân nhập cư tại TP HCM sống rất chật vật Ảnh: HỒNG ĐÀO

“Rất chật vật...”

Theo chân chị Lê Thị Hà, CN Công ty Liên doanh Vĩnh Hưng (quận 12, TP HCM) sau giờ tan ca, chúng tôi tận mắt chứng kiến bữa ăn đạm bạc của gia đình CN 4 người chỉ với nửa ký đậu que và 3 quả trứng. Khi chúng tôi hỏi: “Hai đứa nhỏ đang tuổi ăn, tuổi lớn, sao chị không mua thêm ít thịt, cá cho có chất?”, chị thở dài: “Thịt, cá chỉ được ăn vào kỳ lĩnh lương hoặc tháng nào tăng ca nhiều, thu nhập nhích lên xíu  chứ bình thường cả nhà chỉ ăn trứng, đậu hũ, rau muống”.

Vợ chồng chị Hà từ Tiền Giang lên TP HCM làm CN được 12 năm. Mỗi tháng thu nhập của  vợ chồng chỉ xấp xỉ 8 triệu đồng nên phải chi tiêu thật dè xẻn, nếu không sẽ lâm vào cảnh nợ nần. Chị Hà nhẩm tính: “Tiền nhà mỗi tháng hết 1 triệu đồng, tiền học cho 2 đứa nhỏ là 3 triệu đồng, tiền ăn gói ghém trong khoản từ 2-3 triệu đồng; còn các khoản linh tinh khác cũng khá nhiều nên tháng nào hết tháng đó...”. Căn phòng gia đình chị Hà thuê khá ẩm thấp, chật chội nhưng hơn chục năm nay, hai vợ chồng không có ý định dọn đi nơi khác vì không có khả năng. Cứ đến cuối tháng, chỉ cần có khoản nào nhích lên thì chị Hà lại đau đầu, nghĩ cách chắt bóp chi tiêu để không bị thâm hụt.

Tương tự là gia đình anh Nguyễn Văn Đức, Công ty Hong Ik Vina (KCX Tân Thuận, quận 7, TP HCM). Vợ chồng anh Đức cùng làm CN tại KCX Tân Thuận với tổng thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng. Nghe chúng tôi hỏi thu nhập như vậy liệu có sống ổn không, anh Đức cười: “Lương như vậy là khá hơn nhiều nơi nhưng giá thuê nhà và chi tiêu ở quận 7 cũng đắt đỏ hơn nên không dành dụm được bao nhiêu”. Anh Đức nhẩm tính tiền nhà (1,7 triệu đồng/tháng, chưa tính điện, nước), tiền ăn (3 triệu đồng/tháng), tiền học cho con (1,5 triệu đồng/tháng), tiền sữa cho con (1 triệu đồng/tháng), chi phí lặt vặt cộng cưới hỏi, sinh nhật, ma chay (2 triệu đồng/tháng...) đã ngốn gần hết tiền lương của hai vợ chồng.

Ông Huỳnh Tấn Tài, Chủ tịch CĐ Công ty Hong Ik Vina, cho biết thu nhập bình quân của CN khoảng 5 triệu đồng/người/tháng. Với mức thu nhập ấy, chỉ CN độc thân mới sống được, còn CN có gia đình thì vô cùng khó khăn. Ông Tài băn khoăn: “Chúng ta biết rằng CN nào cũng phải lo cho gia đình, cha mẹ, anh em chứ chẳng ai chỉ lo cho mình. Vì vậy, thu nhập 5 triệu đồng/tháng vẫn rất chật vật”...

Khó thở với lương tối thiểu!

Từ kết quả khảo sát đời sống CN tại DN, ông Nguyễn Thanh An, Chủ tịch CĐ Công ty Việt Nam Samho (100% vốn Hàn Quốc; huyện Củ Chi, TP HCM), thừa nhận: “LTT hiện nay đang áp dụng mức cao nhất quy định ở vùng 1 mới chỉ là 2.700.000 đồng, cộng thêm các phụ cấp và trừ các khoản trích đóng như BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp…. thì NLĐ nhận khoảng 3 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, chi phí hàng tháng của NLĐ cao hơn rất nhiều. Với thu nhập hiện tại, rõ ràng CN sẽ không dễ thở chút nào”.

Kết quả khảo sát mức sống tối thiểu của NLĐ trong các DN trong năm 2014 của Viện CN - CĐ (Tổng LĐLĐ Việt Nam) cho thấy mức sống tối thiểu của NLĐ năm 2014 ở 4 vùng lần lượt là 3.996.000 đồng - 3.423.000 đồng - 3.050.000 đồng và 2.695.000 đồng/tháng. Như vậy tiền lương tối thiểu chỉ mới bảo đảm 67,6% mức sống tối thiểu (vùng 1), 70,1% (vùng 2), 68,9% (vùng 3) và 70,5% (vùng 4). LTT vùng năm 2014 còn thấp hơn mức sống tối thiểu từ 29,5% đến 32,4%. Ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia - khẳng định: “Kết quả khảo sát mức sống chỉ ra rằng tiền LTT hiện tại và thực tế đời sống CN vẫn còn một khoảng cách khá xa”.

Dựa trên các khảo sát khoa học của Viện CN - CĐ, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất các mức LTT vùng cho năm 2015 lần lượt là 3,4 triệu đồng (vùng 1) - 2,9 triệu đồng (vùng 2) - 2,6 triệu đồng (vùng 3) và 2,3 triệu đồng (vùng 4). Ông Mai Đức Chính cho biết mức LTT đề xuất này cũng chỉ mới bảo đảm 80% mức sống tối thiểu của NLĐ.

>>>Lương tối thiểu mới đảm bảo hơn 70% mức sống tối thiểu

Theo Khá An - Ngân Hà - Tuyết Lê

cucpth

Người lao động

Trở lên trên