MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lương giúp việc trung bình 3 triệu đồng/tháng

Con số này cao hơn nhiều so với thu nhập bình quân của lao động nông nghiệp chỉ đạt 1,34 triệu đồng/người/tháng.

Hơn hai mươi năm lăn lộn ở Hà Nội, làm đủ thứ nghề từ bán bóng bay dạo, phụ hồ đến công nhân may công nghiệp… chỉ đến khi được người quen giới thiệu làm giúp việc cho một gia đình tại Trúc Bạch, chị Hảo mới ổn định được cuộc sống.

Tiếng là làm “ôsin”, công việc không có gì nặng nhọc, cũng những việc chị thường làm ở nhà như nấu nướng, giặt giũ, chăm sóc trẻ em…Tuy thế, chị Hảo có thu nhập đều đặn 3 triệu đồng/tháng “bỏ lọ”, mọi chi phí ăn uống, tiền tàu xe đi lại mỗi năm hai lần về thăm quê, hai bộ quần áo mới… đều được gia chủ chi trả. “Cứ tích lũy được một khoản kha khá tôi lại gửi về quê phụ giúp chồng nuôi con ăn học”, chị Hảo cho hay.

Theo một kết quả điều tra được công bố mới đây, thu nhập trung bình của người lao động giúp việc sống cùng gia chủ là 3 triệu đồng/người/tháng; không sống cùng là hơn 2,9 triệu đồng/người/tháng.

Con số này cao hơn nhiều so với thu nhập bình quân của lao động nông nghiệp chỉ đạt 1,34 triệu đồng/người/tháng. Hay so với mức tăng lương tối thiểu đang được dự kiến đề xuất thông qua thì vùng I cũng mới ở mức 3,4 triệu đồng; vùng II là 2,9 triệu đồng; vùng III là 2,6 triệu đồng và vùng IV là 2,3 triệu đồng. Như vậy, mức thu nhập của lao động giúp việc gia đình khá ổn định và tương ứng với mức sống của người lao động.

Có nhiều minh chứng sinh động cho thấy, lao động giúp việc là lối thoát nghèo nhanh chóng và bền vững, đồng thời tạo điều kiện học hành cho con cái. Trong số 500 lao động giúp việc được nghiên cứu thì có 8,2% số người cho biết nếu không làm lao động giúp việc thì họ chỉ ở nhà làm nội trợ; 7,6% không biết làm gì; và 4,4% cho rằng mình sẽ không có việc làm.

Chính vì vậy, mấy năm gần đây, số chị em phụ nữ từ nông thôn ra thành thị làm nghề giúp việc gia đình ngày càng nhiều. Năm 2008, ước tính con số này vào khoảng 160 nghìn người thì dự báo hết năm 2015 có thể lên đến 250 nghìn người.

Như vậy, lao động giúp việc thực sự là một lực lượng tương đối lớn, là hướng giải quyết công việc cho một bộ phận không nhỏ người lao động. Tuy nhiên, không thể phủ nhận một thực tế rằng, nghề giúp việc gia đình ở Việt Nam vẫn còn mang tính tự phát.

Và mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định 27/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về giúp việc gia đình nhằm đảm bảo quyền lợi cũng như ràng buộc trách nhiệm với các đối tượng này, thực tế vẫn còn một bộ phận không nhỏ lao động giúp việc phải chịu thiệt thòi, không được hưởng mức lương xứng đáng với công sức lao động của mình, hay thậm chí bị ngược đãi…

Vì vậy, việc “chuyên nghiệp hóa” lao động giúp việc là một việc làm cần thiết lúc này, giúp họ tự tin hơn trong công việc, hưởng nhiều lợi ích hơn, đồng thời, người sử dụng lao động cũng được hưởng những dịch vụ tốt hơn, chuyên nghiệp hơn… Đây là một việc làm không hề dễ, bởi theo khảo sát thì hầu hết lao động giúp việc đều là phụ nữ nông thôn, dân trí chưa cao. Họ thường không quan tâm hoặc chưa thấy được lợi ích trong vấn đề này. Còn những hộ gia đình thuê lao động giúp việc thì có xu hướng thuê theo thỏa thuận, phù hợp với hoàn cảnh từng gia đình.

Bà Ngô Thị Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng khuyến nghị: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần nghiên cứu xây dựng và ban hành tiêu chuẩn nghề giúp việc gia đình, tiếp đó là xây dựng khung chương trình đào tạo nghề chính thức cho lao động giúp việc. Với sự quan tâm đúng mức, giúp việc sẽ dần trở thành một nghề cơ bản, mang lại nhiều lợi ích cho xã hội trong tương lai.

>>>Quy định mới về người giúp việc: Lúng túng trong thực hiện

Theo Thanh Minh

cucpth

Thời báo Ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên