MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lượng hoá hiệu quả kích cầu

Tổng mức bán lẻ 6 tháng qua tăng, nhưng tiêu dùng bình quân giảm (-3,47%) cho thấy chính sách kích cầu chưa phát huy hiệu quả tốt.

Tổng mức bán lẻ tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước nhưng bình quân chung tiêu dùng giảm (-3,47%) cho thấy chính sách kích cầu chưa phát huy hiệu quả tốt. Cơ cấu nhập khẩu hàng tiêu dùng tăng 3,4% và máy móc thiết bị để tích luỹ tăng 4,2% thì cần coi chừng ta đang kích cầu cho nước khác

Theo thông cáo báo chí về số liệu thống kê kinh tế – xã hội sáu tháng đầu năm 2009, tăng trưởng GDP đạt 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về nguyên tắc, chỉ tiêu GDP được tính bằng ba phương pháp: phương pháp sử dụng cuối cùng (theo cách gọi của cơ quan thông kê Việt Nam), phương pháp thu nhập và phương pháp sản xuất.

Cơ quan thống kê thường tính GDP bằng phương pháp sản xuất và được cân đối lại với tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình, chi tiêu thường xuyên của Chính phủ, tích luỹ tài sản, xuất khẩu thuần. Phần chênh lệch giữa tổng giá trị gia tăng và tổng cầu cuối cùng (Final demand) được xem như sai số thống kê.

Nếu xét GDP trên phương diện tổng cầu cuối cùng, GDP = tiêu dùng của hộ gia đình + tiêu dùng thường xuyên của nhà nước + tích luỹ gộp tài sản + xuất khẩu – nhập khẩu.

Theo quan hệ cơ bản Keynes – Leontief thì khi thay đổi (tăng hoặc giảm) một nhân tố của cầu cuối cùng sẽ lan toả đến sản xuất, quan hệ này lượng hoá mối quan hệ giữa cầu cuối cùng đến giá trị sản xuất của các hoạt động kinh tế và từ đó ảnh hưởng đến giá trị gia tăng của nền kinh tế. Và ý niệm về “kích cầu” xuất phát từ quan hệ này.

Về tiêu dùng cuối cùng, theo báo cáo của tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ sáu tháng đầu năm theo giá so sánh tăng 8,8%. Cần để ý rằng tổng mức bán lẻ bao gồm cả bán cho sản xuất và bán cho tiêu dùng cuối cùng. Hơn nữa, nó lại không bao gồm một số khoản khác không nằm trong tổng mức bán lẻ. Qua tính toán, thấy rằng tuy tổng mức bán lẻ tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước nhưng tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình theo giá so sánh giảm (-4,55%), tiêu dùng của Chính phủ tăng 9,43%, bình quân chung tiêu dùng giảm (-3,47%).

Về tích luỹ: tổng đầu tư tăng mạnh, đạt 322,6 ngàn tỉ đồng nhưng tích luỹ tài sản sáu tháng đầu năm theo giá so sánh (loại bỏ yếu tố tăng giá) giảm (-5,27%).

Về nhập khẩu: kim ngạch nhập khẩu sáu tháng đầu năm về giá thực tế giảm (-34,1%) nhưng nếu loại bỏ yếu tố giá thì nhập khẩu giảm (-5,12%).

Về xuất khẩu: kim ngạnh xuất khẩu sáu tháng đầu năm theo giá thực tế, nếu tính cả xuất khẩu vàng giảm (-10,1%), nếu không tính thì giảm nhiều hơn (-18%). Việc giảm này cơ bản do giá thị trường thế giới giảm mạnh. Nhưng nếu xét về lượng thì xuất khẩu tăng 11,33%.

Như vậy, hầu như các yếu tố của tổng cầu đều giảm, để đạt được mức tăng trưởng 3,9% trong sáu tháng đầu năm, sản lượng xuất khẩu phải tăng mạnh. Nếu quy giá thực tế về mặt bằng giá năm trước thì sản lượng xuất khẩu ước tính chỉ tăng khoảng 7 – 8%. Rất có thể, GDP thấp hơn số 3,9% công bố.

Kim ngạch xuất khẩu thực tế giảm trong khi sản lượng xuất khẩu tăng mà cơ bản từ khai thác tài nguyên và những sản phẩm nông nghiệp (dầu thô, than đá, gạo, cà phê, hạt điều, cao su...) là điều cần phải suy nghĩ. Thực chất, giống như là vay nợ tương lai để phục vụ một sự tăng trưởng ảo.

Tiêu dùng cuối cùng sáu tháng đầu năm giảm, tích luỹ tài sản gộp giảm cho thấy chính sách kích cầu chưa phát huy hiệu quả tốt trong sáu tháng đầu năm.

Một điểm cần lưu ý nữa là khi tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình và tích luỹ tài sản gộp giảm nhưng cơ cấu nhập khẩu hàng tiêu dùng tăng 3,4% (9,6% so với 6,2% cùng kỳ năm trước) và máy móc thiết bị để tích luỹ tăng 4,2% (29,4% so với 25,2% cùng kỳ năm trước) thì cần xem xét lại chính sách kích cầu, nếu không kích cầu của ta làm lợi cho nước khác.

Cũng không thể xem nhẹ ảnh hưởng của việc tăng cung tiền so với GDP đến vấn đề tăng giá tiêu dùng vì quan hệ giữa cung tiền và GDP thực chất là quan hệ tiền – hàng. Ảnh hưởng của việc đó có thể sẽ rơi vào năm 2010.

Năm 2006, mức tăng cung tiền vào khoảng 33%, tăng GDP theo giá thực tế là 16,1%, CPI là 7,5%. Năm 2007, mức tăng cung tiền vào khoảng 46%, tăng GDP theo giá thực tế là 17,4%, CPI là 8,3%. Mức tăng cung tiền trong hai năm này cao hơn mức tăng GDP quá nhiều đã dẫn đến năm 2008, CPI tăng cao đến 23%.

Trong năm 2008, do chính sách thắt chặt tiền tệ, mức tăng cung tiền đã thấp hơn mức tăng trưởng GDP theo giá thực tế (20,2% so với 29,22%). Tuy nhiên, trong sáu tháng đầu năm 2009, tăng cung tiền lại tương đối cao, khoảng 16,4% so với tháng 12.2008, trong khi tăng trưởng GDP theo giá thực tế chỉ khoảng 12,4%.

Theo Bùi Trinh, Dương Mạnh Hùng - Tổng cục Thống kê
SGTT

thanhtu

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên