"Miếng bánh" 5 tỷ USD nội địa: Doanh nghiệp da giày đang bỏ quên
Mức tiêu thụ da giày nội địa đã tăng từ 130 triệu đôi trước đây lên 180 triệu đôi. Như vậy, trung bình mỗi người sử dụng hai sản phẩm giày dép, với quy mô thị trường lên tới 5 tỷ USD.
- 16-07-2015Ngành da giày Việt Nam bỏ ngỏ thị trường nội địa
- 07-05-2015DN da giày chinh phục thị trường nội địa: “Trở đi mắc núi...”
- 29-04-2015Ngành da giày lo doanh nghiệp chưa vào được chuỗi cung ứng
Nội dung nổi bật:
- Doanh thu ngành da giày nội địa lên tới 5 tỷ USD, với mức tiêu thụ trung bình là 180 triệu đôi đang là cơ hội lớn cho các DN da giày nội địa.
- Hiện các DN sản xuất da giày nội địa mới chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu tiêu dùng trong nước.
- DN phải nâng cao sức cạnh tranh, xây dựng thương hiệu, thì Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ và xây dựng các hàng rào kỹ thuật bảo vệ sản xuất trong nước.
Theo thống kê, hiện có khoảng 800 DN hoạt động trong ngành da giày. Tuy nhiên, đa phần các DN đều làm hàng xuất khẩu và không chú trọng nhiều đến thị trường nội địa.
Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam (LEFASO), các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm đa số, đều có quy mô sản xuất lớn và đầu ra ổn định. Khối này cũng chiếm tới 80% kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành.
Hàng nhập chiếm 50% thị phần nội
Trong khi đó, các DN Việt Nam gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn để đổi mới công nghệ và mở rộng quy mô sản xuất, nên chất lượng sản phẩm của nhiều DN không đạt tiêu chuẩn.
Bà Xuân cũng cho biết, mức tiêu thụ da giày nội địa đã tăng từ 130 triệu đôi trước đây lên 180 triệu đôi. Như vậy, trung bình mỗi người sử dụng hai sản phẩm giày dép, với quy mô thị trường lên tới 5 tỷ USD.
Tuy nhiên, có đến 50% sản phẩm giày dép trên thị trường nội địa đến từ nguồn nhập khẩu, chủ yếu là từ Trung Quốc. Còn lại là do doanh nghiệp sản xuất nội địa cung ứng, chủ yếu được tiêu thụ qua hệ thống các cửa hàng bán lẻ giày dép quy mô nhỏ của tư nhân.
Bên cạnh các sản phẩm được sản xuất bởi các làng nghề, xưởng hay DN có quy mô nhỏ, thì một số lượng lớn các sản phẩm giày dép chất lượng cao do các DN FDI đầu tư sản xuất tại Việt Nam, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Bài toán khó cho da giày nội
Với tiềm năng và quy mô thị trường ngày càng tăng, nhiều DN da giày cũng đã đầu tư các cửa hàng và siêu thị quy mô lớn bán giày dép sản xuất trong nước. Nhiều DN đưa sản phẩm chất lượng cao, giá cả bình dân vào sâu thị trường nội địa như vùng nông thôn, miền núi.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay theo bà Xuân, là sản phẩm giày dép Việt Nam chưa có nhiều thương hiệu nổi tiếng.
Nhiều DN dù có sản phẩm tốt, nhưng không chú trọng đầu tư thương hiệu cho sản phẩm. Dẫn đến, sản phẩm phải đi qua các đầu mối trung gian, đẩy giá bán lên cao và lẫn lộn với hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái.
Chưa kể, trên thị trường còn xuất hiện tình trạng hàng giả, hàng nhái giả mạo sản phẩm thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao. Các sản phẩm nhập khẩu cũng có giá rẻ, mẫu mã đẹp nên cạnh tranh gay gắt với hàng nội địa.
Do đó, đại diện của Lefaso cho rằng để giành được miếng bánh tỷ đô trên thị trường da giày nội địa, việc cấp bách là các DN cần phải nâng cao năng lực sản xuất và năng lực cạnh tranh.
Đồng thời, Nhà nước cần sớm xây dựng những tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn tiêu dùng phù hợp với quy định quốc tế, tạo thành những hàng rào hợp pháp bảo vệ sản xuất trong nước.
Hiện hàng Việt Nam chưa có nhiều thương hiệu nổi tiếng, nên trong thời gian tới Lefaso cho biết sẽ tập trung mở các khóa đào tạo kỹ năng xây dựng thương hiệu, thực thi quyền sở hữu trí tuệ cho DN.
Đồng thời, có kiến nghị với Nhà nước xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn để DN sản xuất nội địa cạnh tranh tốt hơn trên thị trường.