MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mở nút thắt cho hoạt động đầu tư...

Luật Đầu tư năm 2005 được đánh giá là một bước tiến quan trọng trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư tại Việt Nam, tạo được quyền tự chủ trong hoạt động đầu tư, kinh doanh…

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, sau 8 năm triển khai thi hành luật đã bộc lộ những vướng mắc, bất cập. Việc nghiên cứu, sửa đổi bổ sung luật là hết sức cần thiết nhất là trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay nhằm tạo bước chuyển mới về cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư.

Cùng với Luật Đầu tư năm 2005 nhiều luật khác cũng được ban hành liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh như Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp… trong khi chưa có quy định phân rõ mối quan hệ cũng như nguyên tắc áp dụng giữa các luật đã làm phát sinh một số vướng mắc trong việc xác định phạm vi điều chỉnh giữa Luật Đầu tư với các luật liên quan trong đó có các vấn đề liên quan đến điều kiện, thủ tục đầu tư và ưu đãi đầu tư.

Theo đánh giá của các chuyên gia, thời gian qua, hoạt động đầu tư nước ngoài chưa đạt được như mong muốn đặc biệt là về thu hút công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghệ hỗ trợ, đầu tư phát triển hạ tầng và chuyển giao công nghệ. Chất lượng một số dự án đầu tư nước ngoài nhìn chung chưa cao, giá trị gia tăng thấp, sự tham gia đầu tư theo chuỗi sản xuất toàn cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia còn hạn chế. 

Đây là hậu quả của các quy định pháp luật chưa thực sự thống nhất về lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư và các luật liên quan. Một số lĩnh vực ưu đãi đầu tư còn dàn trải, chưa hướng mạnh vào việc thu hút đầu tư các dự án với chất lượng và hiệu quả cao. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

Báo cáo mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, mặc dù thời gian qua đã có những cải cách nhưng các quy định về thủ tục đầu tư chưa xác định rõ hồ sơ, trình tự cũng như nội dung cụ thể của việc thực hiện dự án đầu tư từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đầu tư đến giai đoạn triển khai dự án và chấm dứt hoạt động đầu tư. 

Các luật liên quan cũng không có sự quy định thống nhất về thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng dẫn đến chồng chéo về nội dung quản lý, cơ quan thẩm định, phê duyệt, đồng thời không có sự kế thừa, công nhận kết quả của nhau. 

Quy định của luật còn tồn tại một số khác biệt không cần thiết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài liên quan đến thủ tục đầu tư thành lập doanh nghiệp, thủ tục mua cổ phần, phần góp vốn, thủ tục mở chi nhánh, văn phòng đại diện, thay đổi địa điểm trụ sở chính, chuyển nhượng vốn…

Theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp thì thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng là chuỗi thủ tục tồn tại nhiều khó khăn nhất cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp mong muốn để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động đầu tư thì thì “nút thắt” này cần phải được tháo gỡ càng sớm, càng tốt.

Một nguyên nhân khác nữa ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động đầu tư thời gian qua đó là sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương trong thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về đầu tư còn tồn tại một số bất cập từ công tác cung cấp thông tin, xây dựng cơ chế, chính sách, xúc tiến đầu tư đến cấp, điều chỉnh hay thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư. 

Cùng với đó là công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của dự án đầu tư về tiến độ thực hiện dự án, góp vốn… chưa chặt chẽ, chưa thực sự hiệu quả. Đáng tiếc là, hiện nay chế tài xử lý nghiêm những vi phạm liên quan đến chế độ phân cấp, cơ chế báo cáo, trao đổi thông tin giữa các cơ quan trung ương, địa phương, và giữa các Bộ, ngành vẫn còn là một khoảng trống. Nhiều ý kiến cho rằng, khoảng trống này cần phải được bổ sung để hoàn thiện khung pháp lý trong lĩnh vực đầu tư.

Đại diện nhiều doanh nghiệp cho rằng, hiện nay hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp đang còn hạn chế một phần do các quy định về cấp Giấy chứng nhận đầu tư và quản lý hoạt động đầu tư ra nước ngoài còn tồn tại nhiều hạn chế. Đó là việc chưa xác định rõ mục đích quản lý của nhà nước là kiểm soát nguồn tiền chuyển ra nước ngoài hay quản lý toàn bộ hoạt động đầu tư nước ngoài. 

Ngay cả thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài cũng chưa được hướng dẫn chi tiết, kịp thời. Cùng với sự phát triển nhanh của nền kinh tế, một số hình thức đầu tư mới phát sinh trong quá trình thực hiện các hoạt động đầu tư ra nước ngoài chưa được quy định trong Luật Đầu tư nên việc triển khai còn lúng túng, gây khó khăn cho doanh nghiệp muốn mở rộng hoạt động đầu tư ra nước ngoài.

Trong bối cảnh Việt Nam đang phải đối mặt với xu hướng cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài ngày càng gay gắt từ các nước trên thế giới và trong khu vực thì việc sửa đổi Luật Đầu tư là điều hết sức cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ, thuận lợi, minh bạch, thúc đẩy cho hoạt động đầu tư phát triển

                                                                                                                                 Theo Hà An

cucpth

Đại biểu nhân dân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên