Mở rộng Khu kinh tế Nghi Sơn: Kỳ vọng bước phát triển mới
Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định điều chỉnh mở rộng Khu kinh tế Nghi Sơn từ hơn 18.600ha lên 106.000ha, đánh dấu bước phát triển mới; đồng thời khẳng định vị thế của Khu kinh tế Nghi Sơn trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Thanh Hóa và cả khu vực Bắc Trung Bộ.
- 12-11-2015Công bố thành lập khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị
- 10-11-20158 khu kinh tế được Trung ương tập trung đầu tư
- 07-11-2015Công bố quy hoạch khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái
Quyết định này được kỳ vọng là bước phát triển mới, thời cơ mới trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế-xã hội của Thanh Hóa.
Những năm qua, mặc dù kinh tế trong nước và thế giới còn có nhiều khó khăn nhưng Thanh Hóa vẫn nổi lên là địa phương có nhiều chuyển biến tích cực trong việc thu hút đầu tư; trong đó điểm nhấn là Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp.
Theo Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn, sau 9 năm xây dựng và phát triển, Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp trong tỉnh đã có sự phát triển vượt bậc, từng bước khẳng định vai trò đối với sự phát triển kinh tế của tỉnh và khu vực.
Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp đã thu hút được 355 dự án đầu tư; trong đó có 330 dự án đầu tư trong nước với vốn đăng ký 108.804 tỷ đồng và 25 dự án đầu tư nước ngoài, với vốn đăng ký 12.462 triệu USD. Có 212 dự án đi vào hoạt động toàn bộ hoặc một phần, 100% dự án có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động ổn định, hiệu quả và đều điều chỉnh tăng vốn đầu tư để mở rộng sản xuất.
Riêng với Khu kinh tế Nghi Sơn, từ khi đi vào hoạt động đến hết tháng 10 vừa qua, khu kinh tế này đã thu hút 138 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký hơn 16 tỷ USD. Trên 90% diện tích trong Khu kinh tế đã có quy hoạch chi tiết, tỷ lệ lấp đầy đất công nghiệp đạt trên 75%.
Tại Khu kinh tế Nghi Sơn có nhiều dự án hạt nhân như Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Trung tâm Nhiệt điện Nghi Sơn, nhà máy ximăng Nghi Sơn, Nhà máy ximăng Công Thanh, cảng nước sâu Nghi Sơn... có tác động lan tỏa thu hút đầu tư, góp phần quan trọng đến sự phát triển kinh tế-xã hội của Thanh Hóa, của vùng nói riêng và cả nước nói chung.
Tiêu biểu là Khu liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn có vốn đầu tư trên 9,2 tỷ USD là một trong những dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam đang triển khai đúng tiến độ và dự kiến đi vào vận hành thương mại đầu năm 2017. Đây là dự án trọng điểm quốc gia về an ninh năng lượng, khi đi vào hoạt động sẽ đảm bảo tự cung cấp xăng dầu của Việt Nam từ 30% hiện nay lên mức 70%, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của cả nước.
Bên cạnh đó, Trung tâm Nhiệt điện Nghi Sơn với công suất 2.400 MW, tổng vốn đầu tư 4,5 tỷ USD; trong đó nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1 công suất 600 MW, vốn đầu tư 1,1 tỷ USD do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư đã phát điện ổn định cả 2 tổ máy từ giữa năm 2014; Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 2 công suất 1.200 MW, vốn đầu tư 2,3 tỷ USD do Tập đoàn Marubeni của Nhật Bản và Kepco của Hàn Quốc đầu tư theo hình thức BOT đang chuẩn bị khởi công vào đầu năm 2016.
Nhà máy ximăng Nghi Sơn tổng vốn đầu tư 621,9 triệu USD, công suất 4,3 triệu tấn/năm đã đi vào hoạt động đạt hiệu quả cao cho cả hai giai đoạn. Riêng năm 2014, nhà máy này đóng góp cho ngân sách trên 1.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 30.000 lao động; xuất khẩu sản phẩm đạt trị giá khoảng 143 triệu USD…
Cùng với các dự án tiêu biểu trên, cảng nước sâu Nghi Sơn có tiềm năng phát triển thành một trong những cảng biển lớn nhất cả nước với khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải lên tới 70.000 DWT, năng lực xếp dỡ lên đến hàng trăm triệu tấn/năm. Đây cũng là cảng được Bộ Giao thông Vận tải đánh là một trong những cảng có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất cả nước, bình quân giai đoạn 2011-2014 tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt trên 150%.
Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn cho biết để có được kết quả trên, ngoài những chính sách thu hút chung, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư như quy chế thưởng cho tổ chức, cá nhân có công vận động đầu tư vào Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp với mức tối đa 500 triệu đồng/dự án; hỗ trợ chi phí san lấp cho các dự án đầu tư tại các khu công nghiệp phía Tây Quốc lộ 1A thuộc Khu kinh tế Nghi Sơn với mức tối đa 500 triệu đồng/ha cùng với chính sách hỗ trợ giải phóng mặt bằng đã góp phần hoàn thiện môi trường pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi trong thu hút đầu tư.
Cũng nhờ cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh cũng như của Ban Quản lý, 2 năm gần đây, Thanh Hóa có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công và chỉ số hội nhập kinh tế quốc tế nằm trong tốp các tỉnh xếp loại khá của Việt Nam. Đặc biệt, hiện nay, Thanh Hóa là tỉnh đứng thứ sáu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài.
Mặc dù vậy, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn cho rằng kết quả thu hút đầu tư vẫn chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế của Khu kinh tế Nghi Sơn do gặp một số khó khăn, vướng mắc; trong đó có việc giải phóng các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng còn kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ thi công và làm tăng tổng mức đầu tư của dự án.
Đặc biệt, Khu kinh tế Nghi Sơn được Chính phủ xác định là một trong năm Khu kinh tế ven biển trọng điểm của cả nước được ưu tiên đầu tư, nhưng thực tế nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương hiện nay chưa được như với kỳ vọng, mới đáp ứng được khoảng 1/3 nhu cầu đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong Khu kinh tế Nghi Sơn.
Bên cạnh đó, đầu tư hạ tầng trong khu công nghiệp và một số dự án hạ tầng kỹ thuật khác không được phân bổ ngân sách mà phải kêu gọi các nhà đầu tư, trong khi tổng mức đầu tư lớn, yêu cầu về thiết kế có tiêu chuẩn cao, thu hút đầu tư ngày càng khó khăn do cạnh tranh từ các địa phương trên cả nước và cạnh tranh giữa các khu công nghiệp, nên khó kêu gọi được các nguồn vốn đầu tư…
Tin vui đến với Khu kinh tế Nghi Sơn nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung là mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định điều chỉnh mở rộng Khu kinh tế Nghi Sơn từ hơn 18.600ha lên 106.000ha, đánh dấu bước phát triển mới, đồng thời khẳng định vị thế của Khu kinh tế Nghi Sơn trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Thanh Hóa và cả khu vực Bắc Trung Bộ.
Theo Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn, việc mở rộng Khu kinh tế Nghi Sơn và điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các khu công nghiệp đánh dấu bước phát triển mới, thời cơ mới trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Trên cơ sở đó, Ban sẽ tổ chức lập quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết các khu chức năng, phấn đấu trong năm 2016 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung mở rộng Khu kinh tế Nghi Sơn.
Từ quy hoạch chung Khu kinh tế, Ban triển khai lập và trình phê duyệt các đồ án quy hoạch chi tiết khu vực mở rộng từ nay đến năm 2020, làm cơ sở để thu hút đầu tư vào Khu kinh tế.
Đồng thời, Ban tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ Khu kinh tế Nghi Sơn tạo sự thuận lợi trong việc thu hút đầu tư; tập trung hỗ trợ các dự án lớn khởi công và triển khai xây dựng đảm bảo tiến độ như Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 2, Khu liên hợp gang thép Nghi Sơn… tạo động lực thu hút các dự án sau lọc hóa dầu, các ngành công nghiệp phụ trợ và các dự án công nghiệp công nghệ cao.
Cùng với đó, Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn tiếp tục cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh và đồng hành cùng doanh nghiệp, xác định thành công của doanh nghiệp là thành công của chính mình; đồng thời xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp phát triển xanh, bền vững, đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Thanh Hóa và khu vực Bắc Trung Bộ.