MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mổ xẻ tương quan lương tối thiểu - đời sống thật

Việc tăng lương tối thiểu chỉ đáp ứng một phần khó khăn của người lao động. Nếu Nhà nước có những chính sách lâu dài, bền vững, kìm hãm được lạm phát thì việc tăng lương sẽ có ý nghĩa thiết thực hơn.

Sau nhiều phiên họp xuất hiện ý kiến nhiều chiều, ngày 6-8 vừa qua, với 64,3% số phiếu đồng thuận, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã nhất trí với đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2015 300.000-400.000 đồng, mức tăng dao động trong khoảng 15% so với năm 2014. Nếu nhìn tổng thể bức tranh lương và mức sống của người dân trong nhiều năm qua thì vẫn tồn tại rất nhiều vấn đề cần được mổ xẻ.

Lương tăng chậm hơn chi tiêu

Theo nghiên cứu của Viện Công nhân, công đoàn Việt Nam, mức lương như hiện nay chỉ đáp ứng được 67%-70% mức sống tối thiểu của người lao động, bất chấp lương tối thiểu liên tục tăng trong hàng chục năm qua. Nhìn lại giai đoạn 2010, theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tính bình quân, lương tối thiểu vùng tăng 9,9%. Trong khi đó, Tổng cục Thống kê cho thấy tính chung cả nước, chi tiêu theo giá năm 2010 bình quân mỗi người một tháng đạt 1.211.000 đồng, tăng 52,8% so với năm 2008, bình quân mỗi năm tăng 23,6%.

Như vậy nếu đặt mức lương tối thiểu bên cạnh thước đo chi tiêu tối thiểu sẽ thấy sự bất cân xứng, xuất phát từ nhiều yếu tố như tỉ lệ lạm phát, giá nhu yếu phẩm, thực phẩm, giá dịch vụ cũng liên tục tăng trong nhiều năm qua.

Điển hình như lĩnh vực giáo dục. Những năm qua, các thống kê cho thấy phần đóng góp của phụ huynh học sinh có xu hướng tăng dần, không chỉ bao gồm học phí, các khoản đóng góp chính thức và không chính thức nộp trực tiếp cho trường mà còn phải tính cả các khoản chi ngoài trường như học thêm, lễ tết thầy cô...

Chi phí y tế cũng tạo ra những gánh nặng tương đối lớn. Theo Bộ Y tế, từ đầu năm 2014 đến nay, đã có 14 địa phương trình UBND, HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng tăng lên. Đó là chưa kể giá điện, nước, xăng, phí đi lại,… cũng đua nhau “leo thang” trong nhiều năm trước bối cảnh doanh nghiệp khó khăn, thất nghiệp gia tăng cũng khiến người dân nhiều phen lận đận.

Cuộc sống người lao động vẫn quá bấp bênh

Chị Đinh Thị Kim Yến, là công nhân một công ty may ở Bình Dương, kể tầm ba năm về trước, với mức thu nhập hằng tháng lương cơ bản tối thiểu vùng khu vực tỉnh Bình Dương là 1.517.000 + tiền phụ cấp + tiền tăng ca thì mỗi người thu nhập khoản 3.300.000 đến 3.500.000. Lúc này đời sống giá cả vật chất bình ổn, giá cả các mặt hàng, tiền sinh hoạt phí, tiền học cho con, tiền nhà cửa thời điểm này chưa cao. 

Ví dụ như tiền học cho con chỉ có 550.000 đồng/tháng, tiền nhà 450.000 đồng/tháng, tiền ăn một ngày cho gia đình bốn thành viên khoảng 35.000 đồng/bữa ăn. Như vậy trừ những khoản chi hằng tháng thì vợ chồng chị có thể tích góp được tầm 1 triệu/tháng.

Tuy nhiên, tính ở thời điểm hiện tại, mức lương cơ bản tối thiểu vùng khi Bình Dương lên khu vực I là 3.035.000 đồng, cộng phụ cấp, tăng ca thì tổng thu nhập khoảng 5.000.000-5.500.000 đồng. Mặc dù thu nhập có cao hơn nhưng tiền học cho con 1.000.000 đồng/tháng; tiền nhà tăng lên mức 900.000 đồng/tháng; thực phẩm và nhu yếu phẩm tăng giá nên tiền ăn một ngày cho gia đình phải từ 70.000 đến 80.000 đồng/bữa ăn. Vì vậy dù lương tăng nhưng đời sống người lao động vẫn gặp nhiều khó khăn hơn.

Trường hợp chị Trần Diễm Chi, nhân viên kinh doanh công ty in (Tân Bình), cũng cho biết người lao động tại cơ quan chị cũng sống rất bấp bênh. Chị chia sẻ cuối năm 2012, tổng thu nhập của chị là 3.500.000 đồng, giá phòng thuê là 600.000 đồng/tháng, giá điện là 2.500 đồng/kw năm 2012. Đi chợ giá các mặt hàng cũng tương đối rẻ, như một ký cà chua khoảng 10.000 đồng, bó mồng tơi 4.000-5.000 đồng… Mỗi tháng dư cũng được năm bảy trăm ngàn.

Đến năm 2013 thì lương tăng lên mức 4 triệu đồng. Nhưng lúc đó giá phòng cũng tăng lên 800.000 đồng/tháng, giá điện tăng lên 3.000 đồng/kw. Giá điện cũng ăn theo từng năm, từ 2.500 đồng/kw năm 2012 lên 3.000 đồng/kw năm 2013 và đến nay là 3.500 đồng/kw. Với những chi phí đó thì mỗi tháng vừa đủ trang trải chứ không dư nữa.

Trong khi đó, anh Hoàng Phi Vũ - nhân viên giao hàng (Bình Thạnh) tâm sự: “Lương mới xét ra có tăng 300.000-400.000 đồng nhưng có thấm vào đâu khi giá xăng dầu, các dịch vụ khác cũng ăn theo liên tục”. Hồi năm 2010 giá xăng chỉ 16.400 đồng, giá các dịch vụ hàng hóa khác như giá gửi xe hai bánh 2.000 đồng/lượt thì nay giá xăng lên 25.000 đồng/lít, giá giữ xe đến 5.000 đồng/lượt, thậm chí có nơi 10.000 đồng. Tiền học, tiền ăn của con cái trong nhà cũng tăng theo nên dù lương có tăng thì đời sống cũng vậy, thậm chí chật vật hơn.

>>>Vì sao giới chủ đề xuất tăng lương tối thiểu 10-12%?

Theo Tú Uyên - Trung Nhân

cucpth

Phapluat TPHCM

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên