MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mối nguy từ nền kinh tế hai tốc độ

Với xuất khẩu là đầu tàu dẫn dắt, kinh tế Việt Nam đang hướng tới năm tăng trưởng nhanh nhất trong vòng 8 năm trở lại đây. Tuy nhiên, trong khi các doanh nghiệp nước ngoài dẫn đầu làn sóng, các doanh nghiệp nội bị tụt lại khá xa.

Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê, các doanh nghiệp nước ngoài đóng góp tới 70% kim ngạch xuất khẩu kể từ đầu năm đến nay, tăng mạnh so với mức 44% của 5 năm trước. Quý III vừa qua, trong khi khu vực nước ngoài ghi nhận hoạt động xuất khẩu tăng trưởng tới 21% so với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu của các doanh nghiệp nội địa lại sụt giảm 10%.

Sự khác biệt này đang tạo ra một nền kinh tế 2 tốc độ, khiến kinh tế phải đối mặt với nguy cơ suy giảm nếu như các doanh nghiệp nước ngoài rút khỏi Việt Nam để chuyển cơ sở sản xuất tới bất cứ nơi nào có chi phí nhân công rẻ hơn. Đây cũng chính là tình trạng mà một số nước láng giềng đã gặp phải trong những năm đầu thực hiện công nghiệp hóa.

Thêm vào đó, tình hình còn trở nên phức tạp hơn với quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Đẩy mạnh tái cấu trúc hướng đến mục tiêu cuối cùng là giảm tỷ lệ nợ xấu, nhưng điều này cũng khiến nhiều doanh nghiệp nội địa khó tiếp cận hơn nguồn vốn vay và do đó càng gặp nhiều khó khăn khi cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Bloomberg dẫn lời Trinh Nguyễn – chuyên gia cao cấp nghiên cứu về châu Á tại ngân hàng Natixis – nhận xét việc doanh nghiệp nội bị tụt lại phía sau là dấu hiệu rất đáng lo ngại cho tương lai của nền kinh tế, bởi lợi thế cạnh tranh chủ đạo của Việt Nam hiện nay vẫn là chi phí lao động và đất đai giá rẻ. “Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng trong dài hạn. Nếu Chính phủ không triển khai ngay các bước nâng cao năng suất thì đến khi tiền lương tăng cao, Việt Nam sẽ bị thất bại”.

Các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam để tận dụng lợi thế lao động giá rẻ. Khi có quá nhiều doanh nghiệp đổ bộ vào sẽ gây áp lực tăng lương. Nếu lương buộc phải tăng và Việt Nam không có những lợi thế khác để thay thế, các công ty nước ngoài sử dụng nhiều lao động sẽ đi tìm các quốc gia khác có mức chi phí nhân công rẻ hơn.

Điện thoại, đồ điện tử, dệt may và da giày là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Các doanh nghiệp nước ngoài, dẫn đầu là Samsung Electronics, đang thống trị các lĩnh vực này, chiếm tới 99% trong tổng số 34,3 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu máy tính và đồ điện tử của 9 tháng đầu năm. Tỷ lệ đóng góp của khối doanh nghiệp nước ngoài trong dệt may và da giày cũng lên tới 67% trong tổng số 25,7 tỷ USD.

Doanh nghiệp nội chiếm tỷ trọng lớn hơn ở các mặt nông thủy sản, nhưng lại bị ảnh hưởng bởi đà lao dốc của thị trường hàng hóa thế giới trong thời gian vừa qua. Tháng 8, chỉ số Bloomberg Commodity Index đo lường diễn biến của 22 loại hàng hóa cơ bản đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1999.

Xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều khó khăn vì giá nông thủy sản trên thị trường quốc tế đều giảm, ông Nguyễn Văn Nên - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - cho biết trong cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ hôm 29/10. Ngoài ra sự cạnh tranh cao trên các thị trường quốc tế cũng ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu.

Dẫu vậy, kinh nghiệm từ các nước láng giềng đã đi qua thời kỳ đầu công nghiệp hóa như Trung Quốc và Malaysia đều cho thấy sau một thời gian nhất định thì các doanh nghiệp nội sẽ có thể đuổi kịp khối doanh nghiệp nước ngoài.

Theo ông Sandeep Mahajan, chuyên gia kinh tế trưởng của World Bank tại Việt Nam, ``Trung Quốc cũng từng phải dựa vào các doanh nghiệp FDI trong một thời gian dài. Sau đó, bắt đầu từ cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, các doanh nghiệp nội bắt đầu tăng tốc và qua thời gian ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn đối với nền kinh tế cũng như hoạt động xuất khẩu.''

Hiện tại, Việt Nam đang được đánh giá là nước hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hiệp định có thể giúp GDP tăng thêm 11% (tương đương 36 tỷ USD) trong 1 thập kỷ tới. Trong đó xuất khẩu được dự báo sẽ tăng thêm 28% nhờ TPP.

World Bank nhận định từ nay cho tới năm 2017 kinh tế Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng cao hơn mức trung bình của khối ASEAN. Fitch cũng nhận định triển vọng tăng trưởng trung hạn được cải thiện đáng kể nếu TPP được Quốc hội các nước thành viên thông qua.

Nói về những tác động của TPP, Andrew Fennel – chuyên gia đến từ Fitch – cho rằng Việt Nam đang trong vị thế mà nhiều nước thèm muốn. Tăng trưởng dựa vào xuất khẩu là mô hình mà nhiều nước theo đuổi. Hiện tại chuỗi doanh nghiệp nội địa chưa đủ mạnh, nhưng không có nghĩa là trong tương lai nó không thể khắc phục. Vấn đề là thời gian.

Tháng trước, Thủ tướng vừa nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2015 lên trên 6,5%, so với mức 6,2% được đưa ra hồi tháng 11/2014. Nếu đạt được, 2015 sẽ là năm tăng trưởng nhanh nhất kể từ 2007.

Thu Hương

Bloomberg

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên