Mỗi tháng phải xuất khẩu hơn 10,7 tỷ USD
Theo Bộ Công Thương để đạt được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu đề ra, từ nay đến hết năm, kim ngạch xuất khẩu bình quân 1 tháng phải đạt hơn 10,7 tỷ USD, đây là con số phải rất nỗ lực để thực hiện.
Theo Bộ Công Thương, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu (KNXK) cả năm tăng 2013 tăng 10% so với 2012, tức là phải đạt 126,1 tỷ USD. Ba tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt đạt hơn 29,68 tỷ USD bằng 23,5% kế hoạch (bình quân 1 tháng đạt 9,89 tỷ USD).
Như vậy 9 tháng tiếp theo phải đạt trên 96,42 tỷ USD, nghĩa là bình quân 1 tháng kim ngạch xuất khẩu phải đạt hơn 10,7 tỷ USD, theo kinh nghiệm từ những năm trước và xu hướng phục hồi chậm của kinh tế thế giới thì phải rất nỗ lực mới thực hiện được mục tiêu này.
Bộ Công Thương cho biết: Kim ngạch 3 tháng đầu năm ước đạt 23,5% kế hoạch năm cao hơn nhiều so với chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu Quốc hội thông qua là 10%. Trong đó, xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn giữ vai trò quan trọng với mức tăng trưởng 31,8%. Trong khi đó nhóm hàng nông sản, thủy sản giảm nhẹ 0,3% và nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản chỉ tăng nhẹ 1,2%.
Đáng chú ý, tỷ trọng của các nhóm hàng đã có sự thay đổi theo hướng tích cực, giảm dần tỷ trọng nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản, tăng dần nhóm hàng công nghiệp chế biến. So với tỷ trọng của quý I năm 2012, quý I năm 2013 tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến đã tăng từ 63,3% lên 69,7%; nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản giảm từ 10,45% xuống còn 8,84%; nhóm hàng nông lâm sản giảm từ 19% xuống còn 15,8%.
Đồng thời, xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước cũng bắt đầu khôi phục và có xu hướng tăng dần, theo đó xuất khẩu tăng 10,1% và nhập khẩu tăng 7,9% ( cùng kỳ năm 2012 xuất khẩu tăng 5,1% và nhập khẩu giảm 10,7%), đây có thể là tín hiệu khả quan về việc sản xuất bắt đầu hồi phục.
Bên cạnh đó, khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn đóng góp tích cực cho sự tăng trưởng của hoạt động xuất khẩu, nếu không kể dầu thô, xuất khẩu khối này tăng 27,1%. Điều này cho thấy doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với tiềm lực, kinh nghiệm và thị trường sẵn có vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng xuất khẩu.
Với xu hướng nhập khẩu tăng dần từ tháng 2, xuất siêu ở mức 482 triệu USD. Trong bối cảnh hiện nay, xu hướng tăng nhập khẩu có thể xem là yếu tố phục hồi sản xuất. Tuy nhiên để đáp ứng yêu cầu về giảm dần nhập siêu các biện pháp nhằm hạn chế nhập siêu vẫn cần được duy trì.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, mặc dù xuất khẩu tín hiệu tốt nhưng một số mặt hàng chủ lực vẫn còn nhiều khó khăn cả về giá trị và lượng so với cùng kỳ như: gạo, cá, tôm. Đặc biệt giá gạo của Việt Nam hiện thấp hơn giá gạo của Ấn độ và Thái Lan, đây là một sức ép đối với xuất khẩu của Việt Nam.
Do đó, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng: Các Bộ, ngành liên quan và các Hiệp hội cần có sự phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Đặc biệt với mặt hàng gạo, hiện Hiệp hội đang đề xuất bỏ giá sàn, cần xem xét để có điều chỉnh phù hợp, ngoài ra các doanh nghiệp nên tập trung triển khai các hợp đồng lớn, thực hiện tốt hợp đồng tập trung để tránh ảnh hưởng giá sàn.
Theo Linh Đan