Một Việt Nam “không muốn ngủ quên trên quá khứ” và lời khuyên của Chủ tịch World Bank để người Việt có thu nhập cao
Chủ tịch World Bank khuyến nghị: Việt Nam cần tăng cường cải thiện đầu tư vào con người. Làm sao để những từng công dân có được năng lực cạnh tranh, thì trước hết cần đầu tư vào trẻ em
- 23-02-2016Việt Nam cần làm gì để tránh tụt hậu?
- 23-02-2016Bài học từ Việt Nam trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chững lại
- 22-02-2016Những điều chưa biết về Báo cáo Việt Nam 2035 sắp công bố
Việt Nam đã thay đổi đáng kể, với mức tăng trưởng đạt trung bình trên 7%/năm, từ nước nghèo trong thập kỷ 80 đã vươn lên thành nước có thu nhập trung bình chỉ trong một thế hệ, ông Jim Yong Kim, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới - World Bank (WB) đánh giá cao tinh thần của các nhà lãnh đạo Việt Nam là “không muốn ngủ quên trên quá khứ”.
“Điều đó cho thấy mong muốn và quyết tâm đáng trân trọng của các lãnh đạo của Việt Nam trong cải cách” – Chủ tịch WB đánh giá.
Giải quyết nút thắt năng suất lao động
Ông kể, việc xây dựng Báo cáo Việt Nam 2035 được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đề nghị cách đây 2 năm. Sau 19 tháng phối hợp làm việc giữa các chuyên gia của WB và Việt Nam, Báo cáo Việt Nam 2035 đã ra đời với hy vọng, sẽ đưa ra định hướng giúp Việt Nam trở thành nước “Dân giàu nước mạnh, công bằng văn minh”.
Với mục tiêu trở thành nền kinh tế công nghiệp hóa hiện đại, khát vọng Việt Nam đặt tra trong Báo cáo Việt Nam 2035: Hướng tới Thịnh vượng, Sáng tạo, Công bằng và Dân chủ sẽ xoay quanh 3 trụ cột chính là thịnh vượng kinh tế đi đôi bền vững môi trường; công bằng và hòa nhập; Nhà nước có năng lực và trách nhiệm giải trình.
Theo ông Jim Yong Kim, những mục tiêu của Việt Nam chỉ được hiện thực hóa khi giải quyết được vấn đề tăng trưởng năng suất, giải quyết bài toàn môi trường. Cụ thể là tăng trưởng năng suất doanh nghiệp trong nước; nhắm tới đối tượng thiệt thòi đặc biệt là người dân tộc thiểu số; thiết lập dịch vụ cung cấp cho tầng lớp trung lưu. Và để thực hiện, vấn đề quan trọng theo Chủ tịch WB đó là, phải cải cách thể chế kinh tế.
“Cần phải tăng trưởng năng suất lao động, cải cách DNNN để đảm bảo khu vực tư nhân trong nước sẽ có sân chơi bình đẳng. Cần phải có lực lượng thị trường và không có sự phân biệt đối xử. Với bất kỳ cải cách nào thì việc đưa ra lựa chọn là rất khó khăn vì có thể bất đồng quan điểm khi thực hiện cải cách. Song tôi tin Chính phủ Việt Nam cam kết mạnh mẽ trong thực hiện cải cách này, người dân Việt Nam cần hỗ trợ đổi mới đó” – Chủ tịch WB bày tỏ tin tưởng.
Và chú trọng đầu tư cho con người
Việc thực hiện những cải cách trên cũng là cơ sở để Việt Nam thoát ra khỏi bẫy thu nhập trung bình để hướng tới thu nhập trung bình cao mà Báo cáo đã đặt ra. Theo ông Jim Young Kim, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ để giải quyết nhiều vấn đề, song điều quan trọng nhất vẫn phải là xuất phát từ con người và tạo môi trường để người VN nâng cao hiệu quả hơn, giúp họ tiếp cận được những nguồn lực. Ngoài ra cần tạo ra sự bình đẳng và hòa nhập xã hội, đặc biệt là người dân tộc thiểu số.
Một trong những điểm đáng chú ý của Báo cáo Việt Nam 2035 là giảm dần tỷ trọng của ngành nông nghiệp và tăng tỷ trọng của ngành công nghiệp và dịch vụ, theo ông Jim Young Kim đây là xu hướng chung của thế giới. Cũng bởi, để Việt Nam có thể đạt được mức thu nhập trung bình cao thì không thể chỉ dựa vào nông nghiệp mà cần tiến tới cơ cấu tỷ lệ dịch vụ và công nghiệp trong đó tiêu dùng đóng vai trò quan trọng.
Chủ tịch WB khuyến nghị: “Việt Nam cần tăng cường cải thiện đầu tư vào con người. Làm sao để những từng công dân có được năng lực cạnh tranh, thì trước hết cần đầu tư vào trẻ em, nâng cao chất lượng giáo dục đại học, và các cấp. Hầu hết các nước không thấy đầu tư con người là yếu tố kinh tế nhưng tôi đảm bảo rằng đầu tư con người là quan trọng nhất về kinh tế. Tôi tin tưởng Việt Nam sẽ có thu nhập cao nhưng phải đưa ra quyết định đầy khó khăn, thực hiện được quyết định đó”.