MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mua sắm chính phủ trong TPP: Vẫn chưa ngã ngũ

Hàng năm chính phủ các quốc gia bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để chi tiêu, vì thế, mua sắm chính phủ là một vấn đề chưa thống nhất qua 20 vòng đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh- Trưởng đoàn đàm phán TPP của Việt Nam- khái niệm mua sắm chính phủ trong TPP chỉ là mua sắm của các cơ quan nhà nước chứ không bao gồm doanh nghiệp nhà nước.

Các nguyên tắc chính của mua sắm chính phủ trong TPP tương tự như Hiệp định Mua sắm chính phủ (GAP) của WTO, bao gồm: Đối xử tối huệ quốc, không phân biệt giữa các nhà thầu TPP với nhau. Đối xử quốc gia, tức dành cho nhà thầu đến từ các quốc gia TPP một sự đối xử tương tự như các nhà thầu Việt Nam. 

Về cơ bản, đây là đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà thầu, xóa bỏ các điều kiện dự thầu mang tính ưu tiên nội địa. TPP cũng yêu cầu minh bạch hóa thông tin đấu thầu, minh bạch hóa thủ tục tất cả các khâu, có quy định để bảo đảm liêm chính và xem xét khiếu nại.

“Việc đấu thầu ở Việt Nam đã đáp ứng tương đối đầy đủ các điều kiện cả GAP lẫn TPP. Điểm duy nhất còn vướng chính là điều kiện ưu tiên sử dụng hàng hóa và dịch vụ của các doanh nghiệp nội địa”- Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho hay.

Một trong những yêu cầu bắt buộc đối với các nước tham gia TPP là phải mở cửa thị trường mua sắm công, tạo sân chơi bình đẳng, công khai và minh bạch trong hoạt động mua sắm chính phủ.

Qua 20 vòng đàm phán, các thành viên TPP đang xây dựng cam kết mở cửa thị trường mua sắm chính phủ dựa trên một biểu cam kết riêng xoay quanh 3 tiêu chí. Thứ nhất, các bên sẽ xây dựng cam kết cơ quan nào của chính phủ sẽ phải mở cửa đấu thầu cho các đối tác TPP. Thứ hai, phạm vi hàng hóa dịch vụ nào các nhà cung cấp TPP được quyền tham gia.Thứ ba, ngưỡng giá trị chào thầu bao nhiêu trở lên thì phải mở cửa.

3 tiêu chí đó khi thực thi sẽ phát sinh nhiều vấn đề. Việt Nam có thể theo tiêu chí thứ nhất, mở cửa tất cả các bộ, ngành của Chính phủ cho đấu thầu quốc tế. Ngay cả tiêu chí thứ hai là chấp nhận cho toàn bộ hàng hóa và dịch vụ của các cơ quan này cũng được chào thầu ra các đối tác TPP. Dù vậy, chỉ cần tiêu chí thứ ba quy định chỉ khi nào đơn thầu trị giá 100 triệu USD mới đấu thầu quốc tế, thì hai cam kết đầu coi như vô hiệu.

Thực tế cho thấy, với ngưỡng chào thầu giá trị lớn, rất có thể sẽ không được các quốc gia khác chấp nhận, mà cùng nhất trí hạ xuống, và khi đó, Việt Nam cũng phải nhượng bộ. Trên bàn đàm phán, các đoàn vẫn đang tranh luận với nhau về vấn đề mở cửa chỉ cho các cơ quan chính phủ cấp trung ương hay sẽ bao gồm các cơ quan của chính quyền địa phương? 

Theo nhiều chuyên gia, phía Mỹ chỉ muốn dừng lại ở cấp chính quyền trung ương, trong khi đó, đoàn Canada đề nghị bao gồm luôn cả mua sắm của chính quyền địa phương...

Cho đến nay, việc đàm phán TPP về mua sắm chính phủ vẫn chưa ngã ngũ. Nhưng dù thế nào đi nữa, TPP có thể là một động lực tốt để giải quyết tình trạng thiếu minh bạch trong các hợp đồng đấu thầu mua sắm công và là một biện pháp tốt nhằm giảm tham nhũng trong đầu tư công. Về lâu dài, TPP sẽ thúc đẩy cơ sở pháp lý ngày càng hoàn thiện, nền hành chính công của Việt Nam ngày càng được cải cách tốt hơn, tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế bền vững hơn trong tương lai.

Theo Hường - Hùng

cucpth

Báo công thương

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên