MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Múc dầu cứu tăng trưởng, nhưng không được phiêu lưu

Việc khai thác dầu thô với sản lượng bao nhiêu cần phải được tính toán kỹ lưỡng chứ không thể được lập lên từ một kế hoạch quá phiêu lưu mà không thể thực hiện được.

Bình luận về mức tăng GDP của quý I/2016 tăng thấp hơn so với cùng kỳ, đe dọa đến mục tiêu tăng trưởng năm 2016, Đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu ông Bùi Đức Thụ - ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng năm 2016 có nhiều cơ sở để GDP đạt được mục tiêu mà Quốc hội đề ra.

Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Thụ cho rằng việc khai thác thêm 2 triệu tấn dầu thô cần phải tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo hiệu quả khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên.

Thưa ông, quý I/2016 mức tăng GDP chỉ đạt 5,46% tức là tăng thấp hơn cùng kỳ. Liệu điều này có làm "đe dọa" tăng trưởng trong năm nay?

Mục tiêu Quốc hội đặt ra năm nay là 6,7% GDP, quý I/2016 mà tăng trưởng như vậy thì mục tiêu đạt được cũng là rất khó, song tôi cho đó mới chỉ một quý. Quy trình vận hành kinh tế là 4 quý nên nếu ta làm tốt những quý sau thì tăng trưởng kinh tế vẫn đạt được. Năm 2015 tăng trưởng GDP của ta đạt được là 6,68%, vượt kế hoạch Quốc hội đề ra và có thể nói là bằng hoặc xấp xỉ bằng tốc độ tăng trưởng giai đoạn trước 2006 – 2010.

Trong khi năm 2016 tôi đánh giá là kinh tế có nhiều thuận lợi để phát triển hơn. Đó là kinh tế có dấu hiệu phục hồi. Các chỉ số kinh tế vĩ mô nhiều điểm biểu hiện tốt hơn nên chắc chắn 2016 chỉ số tăng trưởng có thể đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên trong cuộc họp của Chính phủ vào tuần trước thì các thành viên Chính phủ cũng có đưa ra nhận xét là nếu tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tiếp tục diễn ra, diễn biến kinh tế bất lợi thì GDP năm nay có thể chỉ đạt 5,46%. Ông bình luận gì về dự báo này?

Hạn hán và xâm nhập mặn xảy ra ở Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên tác động trực tiếp đến nông nghiệp. Thực tế này thì tác động đến tăng trưởng. Nhưng trong năm vừa qua, cơ cấu kinh tế của ta thay đổi tương đối lớn, tỷ trọng khu vực 1 nông lâm ngư nghiệp chiếm khoảng 19% GDP, trong đó sản lượng lúa chiếm tỷ lệ lớn nhất.

Hạn hán xâm nhập mặn thì rõ ràng ảnh hưởng đến GDP, nhưng nếu chúng ta làm tốt ở các khu vực khác, như công nghiệp chiếm 39%, dịch vụ chiếm trên 40%, nếu tăng trưởng khu vực này ta làm tốt thì đủ sức bù lại việc suy giảm của nông lâm ngư nghiệp.

Mức giá dầu thô như hiện tại, nếu giảm sản lượng rõ ràng tác động tăng trưởng GDP. Nên tăng trưởng hay không tăng trưởng thì cũng phụ thuộc vào sản lượng dầu, dưới hay trên đều tác động tăng trưởng.

Một trong những khuyến nghị được các bộ ngành đưa ra là ta phải múc dầu lên bán tầm 2 triệu tấn. Vấn đề đặt ra tại sao không để dầu cho con cháu mà cứ hút dầu lên bán để cứu tăng trưởng?

Khi lập kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, tài chính để tính toán thu từ dầu thô thì căn cứ vào việc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam xây dựng. Các bộ chức năng như Bộ Công Thương, Tài Chính xem xét và Chính phủ rà soát đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội. Xét thẩm quyền rõ rồi.

Vấn đề là khai thác bao nhiêu triệu tấn dầu thì phải đảm bảo tình hình thực tiễn và đảm bảo tính khả thi, không thể lập lên một kế hoạch quá phiêu lưu mà không thể thực hiện được. Sản lượng khai thác bao nhiêu, điều cốt lõi phải đảm bảo hiệu quả, nhất trong điều kiện giá dầu giảm sâu, khai thác nhiều chưa chắc đã tốt.

Theo dõi thông tin trên thị trường thế giới tôi thấy rằng giá dầu đang trên đà phục hồi và đã tăng. Do vậy tính toán sản lượng khai thác bao nhiêu, cần cân nhắc đảm bảo tính khả thi và hiệu quả.

Tôi cũng lưu ý hiệu quả ở đây không chỉ hiệu quả DN khai thác dầu, sau khi bán và nộp thuế và có lãi, mà phải tính hiệu quả khai thác vỉa dầu triệt để hơn. Khắc phục tình trạng vì muốn khai thác sản lượng lớn, ta bơm nước biển dẫn đến hệ quả khai thác dầu thấp, lãng phí tài nguyên và không đảm bảo hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên