Mức lương của người Việt chỉ đứng hàng thứ 8 trong ASEAN
Cạnh tranh lao động chất lượng cao sẽ ngày càng gay gắt hơn khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN hình thành và với mức lương khá thấp của người Việt, chỉ đứng vị trí thứ 8 trong ASEAN thì xu hướng lao động Việt Nam chuyển dịch ra nước ngoài là có thể diễn ra.
- 19-01-2016Lương lao động ngành dầu khí giảm theo giá dầu thế giới
- 18-01-2016Người lao động mong ngóng được thưởng Tết
- 14-01-2016Không dễ để lao động tự do di chuyển trong AEC
Đó là thông tin được bà Hà Thị Minh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) đưa ra khi trao đổi với chúng tôi về năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực Việt Nam khi Cộng đồng AEC được hình thành.
Theo bà Minh Đức, ngay cả khi Cộng đồng AEC chưa được hình thành thì đã có tình trạng người lao động chuyển dịch trong khối ASEAN, đặc biệt là lao động có kỹ năng, trình độ chất lượng cao.
Việc hình thành Cộng đồng AEC sẽ cho phép 8 ngành nghề Lao động có kỹ năng dịch chuyển đó. Bao gồm: nha khoa, điều dưỡng, kỹ thuật, xây dựng, kế toán, kiến trúc, khảo sát và du lịch.
Lao động ra nhiều hơn vào, cạnh tranh chất lượng cao?
Tuy nhiên, thỏa thuận này cũng kèm theo yêu cầu lao động phải qua đào tạo và nếu thông thạo ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh sẽ được di chuyển tự do hơn. Bà Minh Đức cũng cho biết, mặc dù cho phép 8 nghề được tự do dịch chuyển trong ASEAN song mỗi nước đều quy định về khung trình độ tham chiếu, đưa ra những yêu cầu mặt kỹ thuật riêng nên không phải lao động muốn dịch chuyển là có thể dịch chuyển được.
Theo đó, áp lực về tiền lương đối với người lao động khi AEC được hình thành là có thể xảy ra. Tuy nhiên, đại diện Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho rằng, sức ép về lương diễn ra với lao động có kỹ năng nhiều hơn là với lao động có trình độ thấp.
“Người lao động trình độ thấp bị chèn ép sẽ nhiều hơn do chất lượng nguồn nhân lực của ta yếu thế. Còn lao động vào nhiều hay ra nhiều, tôi tin lao động ra nhiều hơn vì mức lương của Việt Nam chỉ đứng mức thấp, ở hàng thứ 8 so với ASEAN” – Bà Minh Đức nhận định.
Với mức lương trung bình thấp như vậy, trong khi mặt bằng nguồn nhân lực trong ASEAN có chất lượng cao hơn, nên nhiều khả năng lao động Việt Nam sẽ có xu hướng chuyển dịch nhiều hơn và lao động nước ngoài sẽ ít chuyển dịch vào Việt Nam do mức lương thấp.
Tuy nhiên, lao động có kỹ năng thì có thể sẽ dịch chuyển nhiều hơn. Bà Minh Đức cho rằng khi lao động có tay nghề trình độ vào Việt Nam thì sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh gay gắt về việc làm và yêu cầu người lao động Việt Nam phải nâng cao chất lượng lao động.
Thu nhập thua xa các nước trong khu vực
Trước đó, Tổng cục Thống kê công bố thu nhập bình quân của người lao động (tương đương năng suất lao động) Việt Nam năm 2015 là 79,3 triệu đồng/người, tương đương 3.657 USD. Mặc dù năng suất lao động đã tăng khoảng 6,4% so với năm 2014 và khoảng cách so với các nước đã ngày càng thu hẹp, song vẫn ở mức thấp hơn rất nhiều.
Cụ thể, nếu tính theo sức mua năm 2005, thì năng suất lao động của Singapore gấp 29,2 lần so với Việt Nam, thì đến năm 2013 khoảng cách này giảm chỉ còn 18 lần. So với Malaysia giảm từ 10,6 lần xuống 6,6 lần; so với Thái Lan khoảng cách năng suất lao động giảm từ 4,6 lần xuống 2,7 lần; Philippines giảm từ 3,1 xuống 1,8 lần.
Tuy nhiên, so với GDP/tổng số người làm việc bình quân thì Việt Nam lại thua xa so với các nước trong khu vực. Theo đó, Singapore tăng từ 62.052 USD năm 1994 lên 92.632 USD; Malaysia tăng từ 21.142 USD lên 30.317 USD; Thái Lan tăng từ 7.922 USD lên 9.311 USD.
Theo bà Tống Thị Minh, Vụ trưởng Vụ Tiền lương, Bộ Lao động và Thương binh Xã hội, năng suất lao động thấp vẫn đang là bài toán khó đặt ra với người lao động Việt Nam. Bởi khi cộng đồng kinh tế AEC được hình thành, nguồn lao động chất lượng cao từ các nước trong khu vực sẽ dịch chuyển nhiều hơn, và cạnh tranh trực tiếp với lao động Việt Nam.