MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Muốn sản xuất ôtô, Việt Nam phải “tự thân vận động”

Theo ông Đào Phan Long - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội cơ khí Việt Nam (VAMI), câu chuyện ô tô cần xây dựng thị trường, chứ không phải chờ 20 năm nữa Việt Nam mới có ô tô…

Chia sẻ tại Hội thảo về chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam chiều ngày 27/4, ông Đào Phan Long - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội cơ khí Việt Nam (VAMI) cho biết, chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam được phê duyệt lần 1 vào năm 2004. Đến nay là lần thứ 2 chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô được đặt ra một cách cấp thiết.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội cơ khí Việt Nam, sau 20 năm đổi mới, dù thành công hay không thành công, tất cả những nỗ lực trong thời gian qua khẳng định Việt Nam rất cần xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô.

Liên quan đến câu chuyện Toyota “dọa” dừng sản xuất ô tô tại Việt Nam gây nhiều ý kiến trái chiều trong thời gian qua, ông Long cho rằng, Toyota không chơi xấu, không bỏ cuộc, mà câu hỏi đơn giản là có nên làm hay không?

“Ở đây thị trường sẽ quyết định. Với thị trường hơn 90 triệu dân, mà sắp tới có thể lên tới 100 triệu dân như Việt Nam thì tôi tin chắc, sẽ không nhà sản xuất nào bỏ cuộc” – ông Long nói.

Đồng thời, ông Long cũng cho rằng, câu chuyện ô tô cần xây dựng thị trường, chứ không phải chờ 20 năm nữa Việt Nam mới có ô tô.

“Mục tiêu đặt ra là sau năm 2015 Việt Nam sẽ có ô tô, nhưng khái niệm ô tô cần thay đổi. Không doanh nghiệp nước ngoài nào muốn “cho” Việt Nam ô tô mà bản thân doanh nghiệp Việt phải tự thân vận động, tự xây dựng thị trường, bảo nhau làm ăn”  - Phó Chủ tịch Hiệp hội cơ khí Việt Nam đề nghị.

Theo ông Long, bài học đầu tư ở đây là chính sách phải ổn định. Ban đầu, Chính phủ có thể khuyến khích sản xuất qua CKD rồi từng bước đầu tư vào nội địa hóa linh kiện, phụ tùng.

Bên cạnh đó, chính sách phải tập trung vào những doanh nghiệp trong 10 năm, 20 năm qua đã làm ăn được, chứ không phải chính sách dành cho tất cả; không phải toàn dân Việt Nam làm ô tô. Đã đến lúc Việt Nam có những sản phẩm của riêng mình. Sản phẩm cơ khí ô tô Việt Nam cần có thị trường và có đủ sức cạnh tranh.

Để tồn tại và phát triển, doanh nghiệp cần hợp tác với nhau. Các chính sách về thuế chỉ là chính sách trước mắt. Thị trường Việt Nam đông dân nhưng vẫn cần nhiều bước đi cụ thể. Do vậy, các chính sách ban hành phải phù hợp trong thời gian tới.

Quan điểm phát triển ngành công nghiệp ô tô của chính phủ Việt Nam là quan điểm đúng đắn, rõ ràng, phù hợp với chiến lược hội nhập. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi các bộ ngành phải nghiên cứu, có đủ chính sách khả thi để đạt hiệu quả trong thời gian tới, đánh giá những tồn tại; cũng như những kết quả đã đạt được, tác động lan tỏa về chính sách, thuế, chuyển giao công nghệ.

>>>Chủ tịch Ô tô Trường Hải: Kinh doanh ô tô mà cứ ưu đãi mãi thì đừng làm!

Thảo Anh

Trịnh Hường

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên