Năm 2015, Bộ Tài chính dự kiến ký kết 22 Điều ước và Thông tư quốc tế
Các Điều ước và Thông tư quốc tế tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: thuế, hải quan, tài chính ngân hàng, thị trường chứng khoán, bảo hiểm và tin học, thống kê tài chính.
Theo báo cáo của Bộ tài chính, tính đến 15/11/2014, Việt Nam đã có 30 Điều ước quốc tế (ĐƯQT) và Thông tư quốc tế (TTQT) được ký và gia nhập theo đề xuất của Bộ Tài chính.
Trong phạm vi chức năng và nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính đã tiến hành đàm phán, ký kết, gia nhập và thực hiện ĐƯQT, TTQT trong các lĩnh vực chủ yếu gồm thuế, hải quan, quản lý giám sát thị trường chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng.
Về thuế, hải quan: Nội dung và mục đích chính của các ĐƯQT và TTQT này là các thỏa thuận tránh đánh thuế trùng, hợp tác trao đổi thông tin, số liệu, phối hợp, hỗ trợ chống gian lận và buôn lậu, chống thất thu thuế.
Về thị trường chứng khoán: Thỏa thuận về nội dung liên quan đến tính toán và công bố các chỉ số cổ phiếu ASEAN (FTSE, ASEAN), thỏa thuận về các quyền sử dụng dữ liệu thị trường.
Về vay nợ, viện trợ nước ngoài: Các hiệp định, thỏa thuận vay được ký chủ yếu với cá đối tác Nhật Bản (JICA) nhằm đầu tư vào các dự án xây dựng đường cao tốc và hạ tầng cảng biển.
Trong các lĩnh vực khác: Hợp tác nghiên cứu kinh tế vĩ mô, tài chính công và tăng cường cải cách doanh nghiệp nhà nước, nâng cao năng lực quản trị cho các doanh nghiệp nhà nước.
Theo đánh giá chung, việc thực hiện các ĐƯQT, TTQT đang có hiệu lực nhìn chung thuận lợi do có sự trao đổi, phối hợp và thống nhất từ các bên tham gia.
Hầu hết các ĐƯQT, TTQT đã được ký kết và thực hiện được đánh giá là hiệu quả, cơ bản đạt được những mục tiêu đề ra ban đầu, hướng tới mục tiêu chung là hiện đại hóa ngành tài chính, đặc biệt là trong lĩnh vực thuế, hải quan, tài chính – ngân hàng, bảo hiểm và chứng khoán; góp phần phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế nói chung; tăng cường quan hệ hợp tác tài chính với các nước, đối tác trong khu vực thế giới.
Đồng thời, căn cứ vào nội dung của từng ĐƯQT, TTQT được ký kết trong năm 2014 và các năm trước, Bộ Tài chính tiếp tục xây dựng lộ trình hợp tác cụ thể, đa dạng và phù hợp; chủ động triển khai các hoạt động hợp tác song phương với các nước, vùng lãnh thổ theo hướng thiết thực và hiệu quả; phối hợp với các đối tác để rà soát, đánh giá các chương trình đã thực hiện để xác định các vướng mắc và phương hướng giải quyết.
Trên cơ sở đó, dự kiến trong năm 2015, Bộ Tài chính sẽ tiến hành ký kết 22 ĐƯQT, TTQT trong các lĩnh vực chủ yếu như: thuế, hải quan, tài chính – ngân hàng, thị trường chứng khoán, bảo hiểm và tin học – thống kê tài chính.
Căn cứ tình hình ký kết, đàm phán, trao đổi và thực hiện ĐƯQT, TTQT, Bộ Tài chính kiến nghị Bộ Ngoại giao và các Bộ, ngành, cơ quan hữu quan tạo điều kiện và tích cực phối hợp trong công tác đàm phán, ký kết, gia nhập và thực hiện ĐƯQT, TTQT.
>>>Bộ Tài chính đề xuất bỏ 26 khoản thu trong danh mục phí, lệ phí
Nguyệt Quế