MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Năm 2015, Việt Nam chi gần 50 tỷ USD mua hàng Trung Quốc

Đây là con số vừa được Tổng cục Hải quan đưa ra trong báo cáo "Tình hình xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tháng 12 và năm 2015" mới công bố.

Cụ thể, Tổng cục Hải quan cho biết, trong năm 2015, Việt Nam có trao đổi hàng hóa với hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong số các thị trường trên, số thị trường đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD của xuất khẩu là 29 thị trường với tổng kim ngạch là 147,36 tỷ USD, chiếm gần 90,9% tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của cả nước.

Số thị trường đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD của nhập khẩu là 19 thị trường với tổng trị giá là 150,42 tỷ USD, chiếm 90,8% tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa của cả nước.

Trong năm 2015, Trung Quốc tiếp tục là thị trường dẫn đầu về cung cấp hàng hóa cho Việt Nam với trị giá nhập khẩu hàng hóa từ thị trường này đạt 49,52 tỷ USD tăng 13.9% so với năm 2014.

Các mặt hàng chính nhập khẩu từ Trung Quốc trong năm 2015 bao gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 9,03 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2014; điện thoại các loại và linh kiện: 6,9 tỷ USD, tăng 8,7%; vải các loại: 5,22 tỷ USD, tăng 12,1%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện: 5,21 tỷ USD, tăng 13,9%...

Năm 2015 hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ Hàn Quốc vào Việt Nam là 27,63 tỷ USD, tăng 27% so với năm trước, cao hơn nhiều so với mức tăng 5,1% của năm 2014.

Các mặt hàng chính nhập khẩu từ thị trường này bao gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện: 6,7 tỷ USD, tăng 33,5% so với năm 2014; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng: 5,11 tỷ USD, tăng 62,6%; điện thoại các loại và linh kiện: 3,02 tỷ USD, tăng 76%; sản phẩm từ chất dẻo: 1,07 tỷ USD, tăng 33,7%; sản phẩm từ sắt thép: 1,03 tỷ USD, tăng 28,8%...

Tiếp theo là các thị trường Nhật Bản với trị giá đạt 14,37 tỷ USD, tăng 11,15% so với năm 2014, Đài Loan với trị giá gần 11 tỷ USD giảm nhẹ 0,78%, Thái Lan với trị giá là 8,28 tỷ USD tăng 16,79%,…

Ở chiều ngược lại, Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam với 33,48 tỷ USD tăng 16,9% so với năm 2014, và là thị trường mà Việt Nam đạt thặng dư thương mại lớn nhất với 25,68 tỷ USD.

Hàng hóa xuất khẩu chủ yếu sang Hoa Kỳ là hàng dệt may với trị giá gần 11 tỷ USD tăng 11,72% và chiếm 32,72% trị giá hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này, tiếp theo là giày dép các loại với trị giá trên 4 tỷ USD tăng 22,49%, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 2,83 tỷ USD tăng 33,68% so với năm 2014,…

Xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc lần lượt là 16,6 tỷ, tăng 11,2% và 8,93 tỷ, tăng 25,03% so với năm 2014. Bên cạnh đó xuất khẩu sang Nhật Bản giảm 3,8%, tương đương giảm 556 triệu USD so với năm 2014.

Kim ngạch, tốc độ tăng/giảm kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam theo châu lục, thị trường/khối thị trường năm 2015. Nguồn: Tổng cục Hải quan
Kim ngạch, tốc độ tăng/giảm kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam theo châu lục, thị trường/khối thị trường năm 2015. Nguồn: Tổng cục Hải quan

Theo Linh Linh

BizLIVE

Trở lên trên