MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Năm 2016: Dự toán thu NSNN từ thuế, phí khoảng 19% GDP

Chính phủ đặt mục tiêu huy động vào ngân sách nhà nước năm 2016 từ thuế, phí khoảng 18 - 19% GDP. Dự toán thu nội địa (không kể thu từ sử dụng đất) phấn đấu tăng bình quân tối thiểu từ 15% trở lên so với đánh giá ước thực hiện năm 2015 (loại trừ các yếu tố tăng, giảm thu do thay đổi chính sách).

Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước (các Bộ, ngành trung ương và địa phương) tập trung chỉ đạo xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016.

Về nhiệm vụ xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2016, Chỉ thị nêu rõ, dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2016 phải được xây dựng tích cực và đúng chính sách, chế độ hiện hành; tính toán cụ thể các yếu tổ tăng, giảm thu do thực hiện các văn bản pháp luật về thuế mới sửa đổi; bổ sung và thực hiện lộ trình cắt giảm thuế theo các cam kết quốc tế…

Trên cơ sở đó, Chính phủ đặt mục tiêu huy động vào ngân sách nhà nước năm 2016 từ thuế, phí khoảng 18 - 19% GDP. Dự toán thu nội địa (không kể thu từ sử dụng đất) phấn đấu tăng bình quân tối thiểu từ 15% trở lên so với đánh giá ước thực hiện năm 2015 (loại trừ các yếu tố tăng, giảm thu do thay đổi chính sách).

Dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu phấn đấu tăng bình quân tối thiểu 6-8% so với đánh giá ước thực hiện năm 2015. Mức tăng thu cụ thể tuỳ theo điều kiện, đặc điểm và phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn của từng địa phương.

Đối với dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2016, Chỉ thị nêu rõ, trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế, các Bộ, ngành trung ương và địa phương cần quán triệt quan điểm triệt để tiết kiệm, chống lãn phí; lập dự toán chi ngân sách nhà nước theo đúng các quy định của pháp luật về chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách nhà nước.

Cụ thể, Chính phủ chỉ đạo chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giữ tỷ trọng trên tổng chi ngân sách nhà nước ở mức hợp lý, phấn đấu bố trí tổng mức theo nguyên tắc: vay bù đắp bội chi từ nguồn vốn trong nước và vốn vay ODA cho đầu tư phát triển theo cam kết với các nhà tài trợ…

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương cần xây dựng dự toán chi thường xuyên các lĩnh vực theo đúng định mức phân bổ dự toán chi ngân sách nhà nước và các chính sách, chế độ, định mức hiện hành; ưu tiên tăng chi cho quốc phòng, an ninh đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; ưu tiên bố trí chi ngân sách cho một số lĩnh vực quan trọng theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội...

Đối với các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi, cần thực hiện dự toán NSNN năm 2016 theo đúng trình tự, quy định của Luật ngân sách nhà nước, Luật đầu tư công, Luật quản lý nợ công và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Các chương trình, dự án được bố trí vốn phải là các chương trình, dự án đã có điều ước quốc tế hoặc Hiệp định về vốn ODA và vốn vay ưu đãi đã được ký kết với các nhà tài trợ nước ngoài.

Đối với dự án đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, Chỉ thị yêu cầu, trong năm 2016 cần bố trí đủ số trái phiếu Chính phủ còn lại cho các chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong giai đoạn 2012-2015 và bổ sung trái phiếu Chính phủ cho giai đoạn 2014-2016. Đồng thời, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước để bổ sung vốn cho các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ triển khai dở dang, chưa được bố trí đủ vốn.

Thảo Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên