Nam Định: Đầu tư 463 tỷ đồng xây cầu Tân Phong qua sông Đào
Bộ GTVT vừa chính thức khởi công xây dựng cầu Tân Phong trên Quốc lộ 21B bắc qua sông Đào, tỉnh Nam Định với tổng mức đầu tư 463 tỷ đồng vào sáng nay (14/6).
- 25-04-2015Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ phí 'chát', doanh nghiệp vận tải bất bình
- 07-04-2015Xây dựng cầu Việt Trì - Ba Vì
- 17-03-2015Cầu vượt biển dài nhất Việt Nam gặp khó
Cầu Tân Phong được thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực (một kết cấu bê tông có sử dụng các sợi cáp bằng thép cường độ cao), tổng chiều dài phần cầu tính đến đuôi mố là 683,9 m. Chiều rộng cầu 12 m. Phần cầu dẫn sử dụng dầm super T bằng bê tông cốt thép dự ứng lực kéo trước, mặt cầu được nối liên tục nhiệt để đảm bảo cho xe chạy êm thuận.
Phần đường có chiều dài hơn 1,4 km trong đó đường dẫn phía xã Mỹ Tân, huyện Mỹ Lộc dài 274 m, đường dẫn phía xã Nam Phong (Nam Định) dài hơn 1,1 km. Vận tốc thiết kế 60 km/giờ, bề rộng nền đường 9 m…
Nhà thầu thi công cầu Tân Phong bao gồm: Liên danh Công ty CP Phát triển và Thương mại Thuận An và Công ty CP Cầu 11 Thăng Long; Liên danh Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4) và Công ty CP TASCO.
Tư vấn thiết kế dự án là Tổng Công ty Tư vấn thiết kế Giao thông Vận tải (TEDI), Công ty CP Tư vấn 2. Tư vấn giám sát gồm liên danh KEI-OC-TEDI.
Đây là công trình thuộc Dự án tín dụng ngành giao thông vận tải để cải tạo mạng lưới đường quốc gia lần thứ 2 sử dụng vốn ODA của Nhật Bản thông qua Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và một phần vốn ngân sách.
Theo ông Phạm Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án 6 (Bộ GTVT) - đại diện chủ đầu tư dự án, cầu Tân Phong được xây dựng sẽ nối liền đường vành đai I thành phố Nam Định, nâng cao hiệu quả khai thác của tuyến đường vành đai, góp phần cải thiện mạng lưới giao thông đường bộ của thành phố nói riêng và hệ thống giao thông đường bộ của tỉnh Nam Định nói chung, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện giao thông di chuyển theo hướng từ các huyện Nam Trực, Cổ Lễ, Xuân Trường, Hải Hậu đi Thái Bình, Hải Phòng và theo chiều ngược lại sẽ rút ngắn được 10 km so với hiện nay.
“Cầu Tân Phong được khởi công và đưa vào khai thác, sử dụng trong năm 2015 cũng giảm tải lưu lượng giao thông trên cầu Đò Quan, tăng cường phát huy hiệu quả khai thác tuyến Quốc lộ 10, Quốc lộ 21 và hệ thống giao thông liên vùng”, ông Phạm Tuấn Anh nhìn nhận.
Ông Đoàn Hồng Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cũng cho biết, từ năm 2009, tỉnh đã quyết định đầu tư dự án này nhưng khó khăn về vốn nên tạm dừng thực hiện. Đến nay, được sự quan tâm của Chính phủ, JICA, Bộ GTVT, dự án được tiếp tục triển khai. Công trình sẽ tạo tiền đề và là động lực phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Nam Định.
Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cũng cam kết sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt đối với các Sở, ban ngành, huyện Mỹ Lộc, Nam Trực triển khai công tác giải phóng mặt bằng và đến nay cơ bản đã hoàn tất. Đồng thời, đề nghị các đơn vị tại địa phương tạo điều kiện thuận lợi nhất cho chủ đầu tư, nhà thầu đảm bảo công tác thi công dự án.
Tại lễ động thổ, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường yêu cầu: “Ban QLDA 6, nhà thầu phối hợp với các đơn vị chức năng đảm bảo chất lượng, tiến độ, thi công để thông xe trước Tết Nguyên đán 2016. Trong tháng 9/2015, Bộ sẽ tiếp tục khởi công xây cầu Thịnh Long và Đông Cao tại tỉnh Nam Định”.