MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nâng cao năng lực cạnh tranh: “Rào” cao mấy cũng phải vượt

Quản lý nhà nước không phải là giành thuận lợi cho chúng ta mà để tạo thuận lợi tối đa cho người dân, DN đầu tư, kinh doanh, làm ăn.

Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng liên quan tới hai dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật DN (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội vào kỳ họp tới.

Liên quan đến 2 luật này, Bộ KH-ĐT đã đề xuất bỏ 43/51 ngành nghề cấm đầu tư, kinh doanh và cắt 56/386 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Những nút thắt cơ bản đối với quyền tự do đầu tư, kinh doanh của DN và người dân đang dần được cởi bỏ.

Tháo nút thắt

Theo đánh giá của Ban soạn thảo hai dự thảo luật, danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh hiện hành chưa được xác định, tập hợp và công khai hóa. Nhiều quy định về điều kiện kinh doanh đã lạc hậu, không phù hợp với thực tiễn hoặc không cần thiết cho mục tiêu quản lý nhà nước, từ đó gây ra các rào cản gia nhập thị trường, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư, kinh doanh. 

Nhiều điều kiện kinh doanh không được quy định cụ thể và thiếu minh bạch về trình tự, hồ sơ, thủ tục hoặc điều kiện, thủ tục không rõ ràng gây khó khăn cho DN trong việc tuân thủ các điều kiện kinh doanh đồng thời tạo ra sự tùy tiện, tiêu cực của cơ quan quản lý nhà nước.

Báo cáo rà soát của Bộ KH-ĐT đã chỉ ra, hiện có 51 ngành, nghề, hàng hóa, dịch vụ cấm đầu tư, kinh doanh. Kết quả rà soát được thực hiện theo các nguyên tắc loại bỏ các ngành, nghề, hàng hóa, dịch vụ trùng lặp. Đồng thời chuyển một số, ngành, nghề, hàng hóa, dịch vụ cấm đầu tư, kinh doanh thành ngành, nghề, hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện; chuẩn xác lại phạm vi và nội dung cấm đầu tư, kinh doanh trong một số ngành, nghề, hàng hóa, dịch vụ. 

Qua đó xác định ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh là ngành, nghề gây phương hại đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, sức khỏe cộng đồng mà không thể khắc phục hay hạn chế bằng các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật hay chuyên môn. Từ những rà soát trên, Bộ KH-ĐT đã đề xuất danh mục chỉ còn 8 ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh.

Loại bớt giấy phép con

Về danh mục lĩnh vực, ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện, kết quả rà soát cho thấy toàn bộ ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và các điều kiện kinh doanh được quy định tại 391 văn bản pháp luật (gồm 56 Luật, 8 Pháp lệnh, 115 Nghị định, 176 Thông tư, 26 Quyết định của Bộ trưởng và 2 văn bản của Bộ) với 386 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thuộc phạm vi quản lý nhà nước của 16 Bộ, ngành. Cũng theo Bộ KH&ĐT, trong 386 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thì có tới 895 điều kiện kinh doanh “cấp 1” (giấy phép “cha”), 2.129 điều kiện “cấp 2” (giấy phép “con”) và 1.745 điều kiện “cấp 3” (giấy phép “cháu”). Các điều kiện kinh doanh thể hiện đa dạng dưới nhiều hình thức. 

Cụ thể, có 110 ngành, nghề yêu cầu phải có giấy phép kinh doanh với 171 loại giấy phép kinh doanh; 83 ngành, nghề yêu cầu có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh với 62 loại giấy chứng nhận. Ngoài ra còn có 44 loại ngành, nghề cần có chứng chỉ hành nghề với 53 loại chứng chỉ hành nghề và 11 ngành, nghề yêu cầu xác nhận vốn pháp định cùng 345 ngành, nghề yêu cầu phải có chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Bộ KH-ĐT đề xuất bãi bỏ một số ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện không còn cần thiết; bãi bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung các điều kiện kinh doanh không cần thiết, không hợp lý, không rõ ràng, không cụ thể; chuyển một số điều kiện kinh doanh từ hình thức cấp Giấy phép sang áp dụng hình thức tự đăng ký thực hiện. Theo đó, kết quả rà soát sơ bộ cho thấy có khoảng 15% ngành, nghề kinh doanh có điều kiện có thể bãi bỏ.

Đồng ý với đề xuất của Bộ KH-ĐT, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành có trách nhiệm, khẩn trương, tiếp tục và chủ động rà soát các ngành, nghề đầu tư, kinh doanh bị hạn chế hoặc phải có điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực mình quản lý để bãi bỏ nếu đã lạc hậu, không còn phù hợp với thực tiễn. Mặt khác, phải tiếp tục rà soát Danh mục để giảm bớt các điều kiện không cần thiết hoặc chỉ công bố để hậu kiểm. 

Thủ tướng lưu ý việc rà soát để bãi bỏ hoặc bổ sung phải đảm bảo tính khả thi, phù hợp với thực tiễn cuộc sống; phù hợp với thông lệ quốc tế và các cam kết hội nhập; bao quát và đảm bảo xử lý được những vấn đề phát sinh trong thực tiễn, những vấn đề mới, đòi hỏi mới mà cuộc sống đặt ra.

Về danh mục ngành, nghề, địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định của dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) và dự thảo Luật DN (sửa đổi), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhất trí với đề xuất không ưu đãi đầu tư đối với các ngành, nghề khai thác tài nguyên, khoáng sản và khoảng 40 ngành, nghề, sản phẩm, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, dù các ngành, nghề này đầu tư ở địa bàn ưu đãi đầu tư. Chính sách ưu đãi về ngành, nghề, địa bàn đầu tư sẽ do Chính phủ quy định chi tiết.

Thủ tướng yêu cầu Bộ KH-ĐT tiếp thu các ý kiến để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội tại kỳ hợp tới. Việc xây dựng danh mục và những quy định đặt ra phải nhằm đạt mục tiêu cao nhất là đảm bảo quyền tự do kinh doanh của người dân và DN, phát triển nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. 

Những quy định này cùng giúp tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, cải cách thủ tục hành chính, thực hiện công khai, minh bạch, hạn chế sự tùy tiện, nhũng nhiễu và phòng chống tiêu cực, tham nhũng.

Theo Bá Tú

cucpth

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên