MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nâng cao sức cạnh tranh không chỉ từ giảm thuế

Theo tính toán của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), nếu giá dầu giảm 1 USD/thùng, doanh thu của tập đoàn sẽ bị giảm 5.400 tỉ đồng, nộp ngân sách nhà nước giảm 1.500 tỉ và lợi nhuận hợp nhất sau thuế giảm 560 tỉ đồng.

Vì vậy, PVN đang ráo riết thực hiện rà soát và tiết kiệm tối đa chi phí, nhằm đảm bảo thu ngân sách nhà nước và bảo toàn vốn PVN. Bên cạnh đó, tập đoàn này đang lên kế hoạch rà soát, tiết giảm thêm các loại phí từ 10-20%.

Tháng 4.2015, PVN đã cập nhật và được thỏa mãn đề nghị giảm mức thuế suất ưu đãi thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng của Nhà máy lọc dầu (LD) Dung Quất từ 35% về còn 20%; mặt hàng dầu diesel giảm từ 20% xuống còn 10% để ngang bằng các nước ASEAN. Tiếp tục cập nhật, mới đây PVN chính thức đề nghị được giảm thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng của LD Dung Quất mức thuế suất thuế nhập khẩu bằng 0% mặt hàng xăng, dầu diesel...

Theo Chủ tịch HĐTV Cty Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) Nguyễn Hoài Giang, từ tháng 1.2016 sản phẩm diesel nhập từ các nước Đông Nam Á, Nhật Bản, Hàn Quốc có thuế về 0%, trong khi sản phẩm này do nhà máy sản xuất ra vẫn giữ mức thuế 10%.

Mặt hàng xăng, theo lộ trình đến năm 2021 mới bắt đầu đưa thuế nhập khẩu về 0%, nhưng hiện có thông tin thoả thuận FTA với Hàn Quốc những sản phẩm xăng nhập từ Hàn Quốc chỉ chịu 10%, trong khi xăng Nhà máy LD Dung Quất là 20%. Thời gian tới thỏa thuận FTA với Nhật Bản cũng sẽ đưa thuế nhập khẩu mặt hàng xăng từ Nhật Bản về 10%.

Tối hậu thư đã được đưa ra: Nếu không có sự điều chỉnh thuế như yêu cầu, trong vòng 2-3 tháng tới, dù vẫn đang được hưởng mức thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi là 10% trong thời hạn 30 năm và được giữ lại mức thuế nhập khẩu 7% với xăng dầu, 5% với LPG và 3% với sản phẩm hoá dầu khác..., có thể LD Dung Quất phải tạm ngừng sản xuất hoặc đóng cửa, khi các đơn hàng đã “cạn” và không có hợp đồng mới được ký kết, do sản phẩm của họ sẽ khó tiêu thụ so với sản phẩm cùng loại nhập khẩu...

Hiện vẫn chưa có đánh giá chính thức nào về việc giảm thuế hồi tháng 4.2015 và dự kiến được giảm thuế về mức 0% theo đề nghị trên đã và sẽ mang lại cho Dung Quất cơ hội được giảm bao nhiêu tiền chi phí trong giá bán sản phẩm, nhưng điểm đáng lưu ý là theo thừa nhận của lãnh đạo nhà máy, chính sách giảm thuế hồi tháng 5.2015 trên chưa ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhà máy, việc nhà máy đạt doanh thu và lợi nhuận vượt kế hoạch là hoàn toàn bình thường.

Vậy mà, chỉ với chênh lệch 10% thuế nhập khẩu riêng dầu diesel thôi, thì nhà máy hiện hoạt động ổn định với 100% công suất sẽ có nguy cơ đóng cửa sau bao nhiêu hoạt động đầu tư hoành tráng và sự cưng chiều, ưu đãi chính sách đa dạng của Nhà nước. Thế mới biết, sức chịu đựng và bản lĩnh thương trường, khả năng và trách nhiệm chủ động rà soát, cơ cấu lại quản trị để tiết giảm chi phí, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của người anh cả và niềm tự hào của nhà máy này nói riêng thật “mỏng manh” và “dễ bị tổn thương” biết bao.

Giảm thuế ưu đãi bằng mức các nước đối thủ cạnh tranh, kể cả để bằng mức thuế của các nước có mức độ ưu đãi cao nhất, là đúng và cần thiết để có môi trường cạnh tranh công bằng cho doanh nghiệp trong bối cảnh tự do hóa thị trường ngày càng cao. Việc giảm thuế có thể làm giảm nguồn thu NSNN trong bối cảnh đang giảm thu từ giá trị xuất khẩu các sản phẩm xăng dầu. Nhưng không đơn giản và chỉ dừng ở việc giảm thuế theo đề nghị đơn phương này, mà cần nhiều kịch bản, phương án giả định và giải pháp cần có đặt trong tổng thể tính toán, đánh giá, giải trình và phản biện chính sách được thực hiện một cách dân chủ rộng rãi, nhằm đổi mới và hoàn thiện cơ chế kinh tế thị trường ở nước ta.

Ngành xăng dầu Việt Nam vẫn đang hoạt động chủ yếu trong cơ chế độc quyền và do một đầu mối kinh doanh xăng dầu chi phối. Thực tế cũng cho thấy, để có môi trường kinh doanh lành mạnh, nhà nước càng cần hoàn thiện cơ chế tự do hóa kinh doanh và đấu thầu theo đúng cơ chế thị trường; tăng cường kiểm toán tuân thủ, lẫn kiểm toán hoạt động để đánh giá hiệu quả kinh doanh doanh nghiệp và hiệu quản quản lý nhà nước, nâng tầm trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm xã hội, thúc đẩy tinh thần và nâng cao bản lĩnh chủ động tái cơ cấu, tiết giảm chi phí, đổi mới công nghệ và năng lực quản trị, giảm thiểu cảnh “trông trời, trông đất, trông mây”, so bì và chỉ muốn được hưởng thêm ưu đãi mà né tránh cạnh tranh thị trường trong bối cảnh hội nhập ngày càng đầy đủ, sâu rộng và khẩn trương hơn.

Năm 2015, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) - Petro Vietnam đạt sản lượng khai thác dầu 18,74 triệu tấn, vượt 11,5% kế hoạch. Sản lượng khai thác khí đạt 10,67 tỉ mét khối, vượt 9% kế hoạch năm và đạt sản lượng cao nhất từ trước tới nay. Tổng doanh thu của PVN đạt 560.000 tỉ đồng. Riêng Nhà máy lọc dầu Dung Quất có doanh thu gần 95.000 tỉ đồng, nộp ngân sách nhà nước hơn 20.300 tỉ đồng và thu về khoản lợi nhuận 5.690 tỉ đồng, vượt 52% kế hoạch năm 2015.

Theo TS Nguyễn Minh Phong

Lao Động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên