MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nâng chất dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài: Đích ngắm là các TNC

Một trong những yếu tố quan trọng để “nâng chất” dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đó là phải thu hút được các tập đoàn đa quốc gia (TNC).

“Rất muốn!”. Đó là câu trả lời mà phóng viên Báo Đầu tư nhận được từ ông Phùng Danh Đài, Phó trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh, khi đặt câu hỏi rằng, Quảng Ninh có muốn thu hút các TNCs vào đầu tư.

“Chưa có TNCs nào vào đầu tư ở Quảng Ninh, nhưng mong muốn của chúng tôi là thu hút được các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh vào địa phương”, ông Đài không hề giấu giếm tham vọng của mình khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư bên lề Hội thảo Giải pháp thúc đẩy và nâng cao chất lượng vốn FDI vào Việt Nam, tổ chức ngày hôm qua tại Hà Nội.

Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên, việc đẩy mạnh thu hút đầu tư của các TNCs được đề cập. Song, tại Hội thảo nói trên, khi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh không ngần ngại bày tỏ mong muốn rằng, một khi chính sách thay đổi, FDI trong thời gian tới sẽ mang đến cho Việt Nam công nghệ nguồn, công nghệ cao, thân thiện với môi trường, mang đến trình độ quản lý tốt, các sản phẩm có năng lực cạnh tranh, cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu….

Và kéo theo họ, sẽ là rất nhiều nhà đầu tư vệ tinh có thể giúp phát triển công nghiệp phụ trợ của Việt Nam, nhiều diễn giả đã mường tượng những đồng vốn quý báu mà các TNCs sẽ mang vào Việt Nam.

“Khi thu hút FDI từ các TNCs, không chỉ công ty đó, mà cả các công ty khác của Việt Nam khi làm ăn với họ cũng được tham gia vào quá trình lao động quốc tế. Chính vì vậy, chúng ta sẽ có cơ hội lớn hơn tham gia mạng sản xuất toàn cầu, tham gia thị trường xuất khẩu thế giới và chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Bùi Tất Thắng, quyền Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đã chia sẻ như vậy.

Trong khi đó, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) lại không chỉ hy vọng vào sự chuyển giao công nghệ trực tiếp, mà còn là gián tiếp. Lý do là vì, khi TNCs chuyển giao công nghệ tiên tiến vào Việt Nam, sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp của Việt Nam đầu tư mới công nghệ để nâng cao sức cạnh tranh.

Có lẽ, rất nhiều điều có thể nói về những lợi ích của việc các tập đoàn lớn trên thế giới đầu tư vào Việt Nam, về tài chính, công nghệ, về sức lan tỏa đến nền kinh tế. Những cái tên như Samsung, Intel, Unilever, Canon…có thể coi là những ví dụ điển hình.

Tất nhiên, thu hút đầu tư của các TNCs không phải là cách duy nhất để Việt Nam có được dòng vốn FDI có chất lượng, song trao đổi với Báo Đầu tư, GS -TSKH. Nguyễn Mại cho rằng, trước đây, Việt Nam quan tâm nhiều hơn tới các nhà đầu tư nhỏ và vừa, thì nay, phải tập trung hơn tới các TNCs.

“Chúng ta vẫn tiếp tục thu hút FDI của doanh nghiệp vừa và nhỏ vào công nghiệp phụ trợ, nhưng coi trọng FDI từ các quốc gia có nền công nghệ phát triển và TNCs hàng đầu thế giới của các nước OECD; đồng thời có phương thức thích hợp để thu hút vốn đầu tư từ các nền kinh tế mới nổi, như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Brazil, từ các nước vùng Vịnh có nguồn ‘Petro đô la’ dồi dào”, GS - TSKH Nguyễn Mại nói về định hướng thu hút đầu tư thời gian tới.

Nhưng câu hỏi đặt ra là, làm sao để kéo được các đại gia đó tới Việt Nam? Câu trả lời mà chúng tôi nhận được từ GS Nguyễn Mại, đó là phải xem xét lại các cơ chế ưu đãi đầu tư, cũng như hệ thống chính sách về đầu tư.

“Khi Việt Nam hướng đến thu hút FDI của các TNCs, cần coi trọng ưu đãi tài chính với quy định công khai, minh bạch và ổn định  mới đủ sức hấp dẫn các TNCs đối với ngành công nghệ cao, dịch vụ hiện đại”, GS - TSKH Nguyễn Mại nói.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Xuân Trung (Viện Khoa học - Xã hội Việt Nam), điều quan trọng là phải tạo được cô chế chính sách rõ ràng, có khả năng tiên đoán được. “Cần thực hiện nghiêm túc quyền sở hửu trí tuệ, phát triển hạ tầng đồng bộ, nguồn nhân lực chất lượng cao. Cũng nên có ưu đãi đặc biệt cho các đối tác đầu tư chiến lược, cũng như cần tiếp tục có chiến lược xúc tiến tầm quốc gia đối với những TNCs này”, ông Trung đề xuất.

Theo Hà Nguyễn

Bao dau tu


cucpth

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên