MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Nặng gánh” thuế phí: Vì đâu nên nỗi?

Những chính sách bảo hộ và "thuế chồng thuế" đang khiến mỗi người dân Việt Nam gánh chịu tỷ lệ thuế phí/GDP cao gấp từ 1,4 đến 3 lần so với các nước khác trong khu vực...

Phát biểu tại hội thảo “Công bằng thuế tại Việt Nam” do Oxfam tổ chức sáng 14/7, TS Hoàng Khắc Lịch – Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho biết, trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, thuế tiêu dùng luôn chiếm tỷ trọng rất cao trong cơ cấu thuế và có xu hướng tăng lên trong vài năm gần đây.

Trong khi đó, tình trạng trốn thuế và lách thuế vẫn khó kiểm soát. Năm 2014, Bộ Tài chính đã thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với 67.053 doanh nghiệp. Tổng số thuế tăng thu là 12.224 tỷ đồng; tổng số giảm lỗ là 22.027 tỷ đồng; số tiền nộp vào ngân sách là 9.214 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, TS Lịch cũng cho rằng, tình trạng báo lỗ giả và chuyển giá vẫn diễn ra phức tạp. Năm 2014, Bộ Tài chính đã kiểm tra 3.661 doanh nghiệp lỗ, doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá và doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết. Kết quả đã giảm lỗ 7.503 tỷ đồng; truy thu, truy hoàn và phạt 2.045 tỷ đồng.

Ngoài ra, một số khoản phí và lệ phí không phù hợp với tình hình thực tiễn, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp.

Theo TS Lịch, việc xã hội hóa một số lĩnh vực dịch vụ công có thể sẽ làm tăng gánh nặng chi phí cho người dân, giảm vai trò trách nhiệm của nhà nước; dẫn đến tăng giá, chất lượng dịch vụ không đảm bảo; lạm thu các khoản đóng góp.

Cũng tại hội thảo, GS Trần Nam Bình (Trường Đại học RMIT) cho biết, trong giai đoạn 1990, hệ thống thuế của Việt Nam rất đơn giản, chỉ bao gồm một số loại thuế như thuế xuất nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệo, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nông nghiệp…

Hệ thống thuế của Việt Nam sau thời kỳ đổi mới, khi đó Việt Nam đang chuẩn bị tham gia WTO và ký kết các FTA nên hệ thống thuế đóng vai trò hết sức quan trọng. Sự thay đổi các Thông tư, Nghị định và hiện đại hóa hệ thống quản lý thuế đã mang lại nhiều kết quả tích cực trong quản lý hệ thống thuế.

Việt Nam có nhiều loại thuế chính thức như: thuế GTGT, thuế TTĐB, thuế xuất nhập khẩu. Sau khi gia nhập WTO, thuế xuất nhập khẩu giảm dần.

Về cấu trúc thuế của Việt Nam được thể hiện qua chỉ số gánh nặng thuế. Chỉ số này được xác định bằng tổng doanh thu từ thuế/ tổng GDP.

GS Bình dẫn số liệu của IMF cho biết, đầu thập niên 90, chỉ số gánh nặng thuế của Việt Nam là 3,4% (năm 1988) đã tăng lên 19,5% (năm 1996). Từ năm 1998-2006 chỉ số này đã tăng từ 15,4% lên 20,6%. Chỉ số gánh nặng thuế của Việt Nam cao nhất trong khu vực ngoại trừ Malaysia và Bhutan.

Gánh nặng thuế cao như vậy nhưng ai sẽ là người trả thuế? Theo GS Bình, người Việt Nam có rất ít khái niệm về điều này. Đó có thể là chủ gia đình, chủ doanh nghiệp hoặc cá nhân người lao động.

“Nếu chỉ đơn thuần nhìn vào con số doanh thu từ thuế chia cho tổng sản phẩm (GDP) có thể thấy chúng ta đang lãng phí nhiều nguồn lực cho các khoản thuế, phí không chính thức” – GS Bình cho biết.

Theo ông Bình, vai trò cơ bản của hệ thống thuế là phân phối lại thu nhập và tài sản. So với các nước khác trong khu vực, hiện nay Việt Nam phụ thuộc lớn vào 3 loại thuế: thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế xuất nhập khẩu.

Nguyên tắc tính thuế dựa trên lợi ích, đây là nguyên tắc lớn nhất để hiểu công bằng trong thuế. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam dành rất nhiều ưu đãi thuế cho các công ty có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài như giảm thuế suất, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, không phải đóng thuế, thậm chí được ưu đãi quyền sử dụng đất…

“Nhà nước làm như vậy nhằm khuyến khích đầu tư, đặc biệt là đầu tư vào các vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn. Tuy nhiên, vô hình chung điều này sẽ làm giảm tính công bằng của hệ thống thuế” – vị chuyên gia này lo ngại.

Ngoài ra, GS Bình cũng cho rằng, hiện tượng “đi đêm” giữa doanh nghiệp và cán bộ thuế hiện nay vẫn còn hết sức nhức nhối. Nhiều doanh nghiệp có quan điểm phải làm thế mới có lợi, mới giải quyết được việc làm mất đi tính công bằng của hệ thống thuế.

Dân Việt gánh tỷ lệ thuế phí/GDP cao nhất khu vực

Tại Diễn đàn kinh tế mùa xuân 2015, PGS.TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho biết, những chính sách bảo hộ và thuế chồng lên thuế đang khiến mỗi người dân Việt Nam gánh chịu tỷ lệ thuế phí/GDP cao gấp từ 1,4 đến 3 lần so với các nước khác trong khu vực.

Thu từ thuế và phí (không kể thu từ dầu thô) của Việt Nam hiện nay ở mức rất cao so với các nước trong khu vực. Cụ thể, trung bình trong giai đoạn 2007-2012, tỷ lệ này ở Việt Nam là 21,6% GDP, Trung Quốc là 17,3%, Thái Lan và Malaysia là 15,5%, Indonesia là 12,1% và Ấn Độ chỉ là 7,8%.

Ngoài ra, tỷ trọng thu thuế thu nhập doanh nghiệp cũng có xu hướng giảm dần trong khi tỷ trọng thu thuế GTGT, thuế xuất nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt đang tăng nhanh.

 

Nguyệt Quế

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên