MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nền kinh tế vượt cạn

Trong quý I, cả nước xuất siêu hơn 1 tỷ USD và đây cũng là quý có thành tích xuất siêu cao nhất kể từ năm 2010 trở lại đây.

Quý 1 đã kết thúc với thành tích xuất khẩu cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Dẫu biết cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn nhiều gian khó, tổng cầu tiếp tục suy yếu nhưng báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy nền kinh tế cũng có những tiến bộ nhất định.

Nhìn từ những con số

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu tháng 3 ước đạt 12 tỷ USD, tăng 2,46 tỷ USD so tháng trước. Trong đó, kim ngạch của khu vực doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 8,13 tỷ USD. Lũy kế 3 tháng đầu năm 2014, cả nước xuất khẩu 33,34 tỷ USD, tăng 14,1%; nhập khẩu 32,34 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ 2013.

Trong cơ cấu xuất nhập khẩu, nếu tính riêng tháng 3, nền kinh tế nhập siêu 300 triệu USD. Điều này cho thấy, các DN đã bắt đầu có những bước vào chu kỳ sản xuất. Nếu đặt trong mối tương quan của năm 2012, 2011 GDP đã có sự nhích nhẹ. Cụ thể, quý I/2013, tăng trưởng GDP là 4,76%, còn quý I/2012 là 4,75%.

Sự tăng trưởng trở lại của GDP trong quý 1 cũng nằm đúng trong kỳ vọng của cơ quan quản lý. Trước đó, nhiều ý kiến chuyên gia nhìn nhận 2014, nền kinh tế thoát đáy. Cộng đồng DN có nhiều cơ hội hơn trong kinh doanh. Các thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam như Nhật, Mỹ, EU bắt đầu ổn định. Cùng với đó là những kỳ vọng cuối năm 2014 Việt Nam sẽ đàm phán xong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mở ra thời cơ kinh doanh cho DN nội.

Đóng góp vào 4,96% GDP là sự tăng trưởng vững của khu vực nông - lâm nghiệp và thuỷ sản, tăng 2,37%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,69%, khu vực dịch vụ tăng 5,95%. Dẫn chứng cho sự "vượt cạn" của các thành phần kinh tế là chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 3 tăng 5,2%. Trong đó dệt may đứng đầu của đà tăng với mức 20,2%, sản xuất giày dép tăng 19,4%. Đây cũng chính là những tín hiệu cho thấy nền kinh tế đang chuyển động tốt. Niềm tin đang dần được vực dậy.

Chưa thật lạc quan

Nhưng phân tích kỹ, niềm vui chưa thật trọn vẹn. Nền kinh tế đi qua ¼ chặng đường của năm. Bên cạnh các thành tích xuất khẩu, thì việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài quý I lại có sự thụt lùi đáng kể. Trong 3 tháng đầu năm, cả nước thu hút được 3,334 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), giảm 49,6% so với cùng kỳ. Đặc biệt, niềm tin tiêu dùng vẫn ở mức rất thấp là nguyên nhân chính khiến cho chỉ số giá tháng 3 sụt giảm về mức âm 0,44%.

Bình luận về tình hình kinh tế - xã hội, ông Tạ Đình Xuyên, Phó giám đốc trung tâm Thông tin dự báo Kinh tế - Xã hội, Bộ Kế hoạch Đầu tư cho rằng, các dư địa khó khăn của nền kinh tế vẫn còn rất nhiều. Cộng đồng DN vẫn phải đối diện với sức mua thấp, khó khăn tiếp cận tín dụng. Trong đó, khó khăn nhất là sức mua thấp và phương hướng kích tổng cầu chưa thật rõ ràng.

Sự lép vế của DN nội đối với DN ngoại ngày càng lớn. 70% thành tích xuất khẩu nghiêng về khối DN có vốn đầu tư ngoại cho thấy DN nội chưa thật vững trên sân nhà. Đó cũng chính là thách thức cho cộng đồng DN trong khi các dư địa để hỗ trợ cho DN như miễn thuế, giảm thuế không còn nhiều.

Chưa hết, theo khẳng định của chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh "một số địa phương đã làm quá tay, "đục tường" để thu hút đầu tư nước ngoài. Đồng thời cách ứng xử thiên vị giữa DN nội và ngoại là không hề có lợi cho nền kinh tế.

TS Nguyễn Minh Phong nhìn nhận, tăng trưởng kinh tế có nhích lên nhưng chưa rõ. Nhưng điều đáng mừng là trong khó khăn vẫn có một lượng lớn DN xin thành lập mới. Trong đó DN ngành dịch vụ thành lập mới nhiều, cho thấy cơ cấu nền kinh tế đang chuyển dần sang dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp.

Tuy nhiên, khi dịch vụ chưa phát triển thì quy luật là phải tăng sản xuất. Tuy nhiên hoạt động sản xuất hiện nay lại đang gặp rất nhiều lực cản từ vốn, đầu tư, thị trường, sức cạnh tranh.

cucpth

Đại đoàn kết

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên