MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân sách nhà nước 2015 sẽ ưu tiên đầu tư phát triển biển đảo

Bộ Tài chính mới đây đã có Thông tư (số 84/2014/TT- BTC) hướng dẫn việc xây dựng Dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2015.

Theo đó, các mục tiêu là tiếp tục kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng hợp lý, tăng chi cho an ninh quốc phòng và ưu tiên đầu tư phát triển biển đảo...

Thu NSNN phải mang tính khả thi

Theo Bộ tài chính, thu NSNN năm 2015 phải được xây dựng trên cơ sở đánh giá khả năng thu của năm 2014 cũng như các chỉ số về tình hình đầu tư, phát triển sản xuất, tồn kho, tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp tại một số địa phương trọng điểm: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu, các yếu tố tăng giảm thu do thực hiện luật thuế mới, chính sách thuế mới,…

Đồng thời, phân tích các yếu tố tác động khác như: việc tăng cường theo dõi, kiểm tra, kiểm soát kê khai thuế của các tổ chức, cá nhân, quyết liệt trong chống thất thu, thu thuế nợ đọng...

Theo đó, thu nội địa phải đảm bảo tổng hợp toàn bộ các nguồn thu phát sinh trên địa bàn, bao gồm cả số thu ở các xã, phường, thị trấn.

Thông tư số 84 ngày 27/6/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn xây dựng dự toán NSNN năm 2015, không quy định tỷ lệ tăng định mức chi thường xuyên, vì việc này chỉ thực hiện được ở thời điểm NSNN cân đối được nguồn. Bên cạnh đó, dự kiến cân đối NSNN năm 2015 rất khó khăn, cần ưu tiên nguồn lực cho hoạt động và nhiệm vụ bảo vệ biển đảo, tăng chi cho an ninh quốc phòng, giữ vững trật tự trong tình hình mới.

Cần chú ý những chế độ, chính sách thu mới ban hành, sửa đổi, bổ sung và có hiệu lực thi hành trong năm 2014, 2015. Ví dụ như: Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt, Luật Đất đai, Nghị định 209/2013 hướng dẫn thi hành Luật thuế Giá trị gai tăng, Nghị định 44/2014 quy định giá đất…

Cũng cần tính đến việc hết hiệu lực của miễn, giảm, gia hạn, điều chỉnh thuế theo các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ cũng như những chương trình kích cầu, kích thích tiêu dùng thị trường nội địa, tăng thu từ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, bình ổn giá không sử dụng hỗ trợ từ NSNN, thu phạt hành chính… cũng là những yếu tố có tác động đáng kể, cần được quan tâm.

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới hiện nay, một trong những nội dung quan trọng trong xây dựng dự toán thu từ các hoạt động xuất nhập khẩu cần lưu ý là lộ trình thực hiện cắt giảm thuế, để thực hiện các cam kết thương mại hội nhập kinh tế quốc tế; tác động do các quy định trong thương mại quốc tế, cũng như tác động của việc ký kết và tham gia Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và khối thương mại tự do Châu Âu, Hiệp định thương mại tự do song phương Việt Nam - Hàn Quốc, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga-Belarus-Kazakhstan…

Triệt để tiết kiệm chi tiêu

Theo Bộ Tài chính, nhu cầu chi cho đầu tư phát triển, đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng và trật tự xã hội… trong năm 2015 là rất lớn, trong bối cảnh nguồn lực hạn chế, quan hệ Việt Nam-Trung Quốc đang diễn biến khó lường.

Do vậy, các bộ, cơ quan trung ương cũng như địa phương cần xác định rõ nhiệm vụ nào là thực sự quan trọng, cấp bách để ưu tiên thực hiện trong năm 2015, việc chi NSNN cần triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, đúng tiêu chuẩn, chế độ định mức chi hiện hành.

Cụ thể, đối với việc chi cho đầu tư phát triển phải bảo đảm ở mức hợp lý trong tổng chi. Theo đó, chỉ chi cho những chương trình, dự án đang thực hiện dở dang, giãn tiến độ các chương trình chưa thật cấp bách; chỉ bố trí vốn cho các chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện trong giai đoạn 2014- 2015.

Ngày 14/6/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 14 về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán NSNN năm 2015. Theo đó, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 84 vào ngày 27/6/2014 nhằm hướng dẫn các địa phương xây dựng dự toán NSNN năm 2015.

Trên cơ sở này, Bộ Tài chính khẳng định, việc sử dụng vốn NSNN phải dựa trên một số nguyên tắc như: ưu tiên hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án kết cấu hạ tầng tầm quan trọng quốc gia, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, hỗ trợ ngư dân, giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nông nghiệp nông thôn, y tế, giáo dục, các dự án hợp tác công- tư; công trình hoàn thành và sử dụng trước ngày 31/12/2014, thanh toán nợ xây dựng cơ bản, các dự án sẽ hoàn thành trong năm 2015 và các dự án sử dụng vốn đối ứng ODA; hoàn trả các khoản vốn ứng trước theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các dự án chuyển tiếp thực hiện…

Bộ Tài chính cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách đặc biệt lưu ý khi xây dựng dự toán chi thường xuyên cần triệt để tiết kiệm, cắt giảm các khoản chi mua sắm phương tiện, trang thiết bị, hạn chế số lượng và quy mô tổ chức lễ hội, hội nghị, hội thảo, phong tặng danh hiệu, đi công tác nước ngoài. Việc chi cho các nhiệm vụ này không được tăng so với năm 2014.

Đối với cân đối ngân sách địa phương, những tỉnh, thành phố thuộc Trung ương, nếu có nhu cầu huy động thêm vốn để tăng đầu tư phát triển, phải đảm bảo mức dư nợ huy động không vượt quá 30% dự toán chi đầu tư xây dựng cơ bản của ngân sách, đồng thời phải bố trí nguồn để hoàn trả cả gốc lẫn lãi vay đến hạn. Riêng tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, mức dư nợ huy động lần lượt là 100%, và 150%.

>>>Quốc hội duyệt chi 16.000 tỷ cho cảnh sát biển, ngư dân

cucpth

Theo Tạp chí tài chính

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên