MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngành chăn nuôi: “Chấp nhận hi sinh” cho TPP?

Hội nhập đặt ra bài toán là chọn ngành nào để đầu tư phát triển và phải biết từ bỏ một số ngành yếu kém, không có lợi thế cạnh tranh…

Viện Nghiên Cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) vừa công bố báo cáo tác động của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đến ngành chăn nuôi Việt Nam.

Ngành chăn nuôi sẽ “tối như đêm 30”?

Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu VEPR, đặc điểm của ngành chăn nuôi nước ta là sản xuất nhỏ lẻ, lệ thuộc vào nhập khẩu, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường… khiến năng suất thấp, sức cạnh tranh yếu và gây bất lợi về thương mại.

“Tác động lên ngành chăn nuôi chủ yếu đến từ gia nhập TPP, trong khi AEC chỉ ảnh hưởng không đáng kể. Sản xuất trong nước có xu hướng bị thu hẹp do cạnh tranh đến từ các nước TPP, đặc biệt đối với ngành thịt” – báo cáo nhận định.

Sau TPP, dòng thương mại có xu hướng thay đổi theo mức cắt giảm thuế quan, chuyển sang nhập khẩu sữa bột từ New Zealand, trâu bò sống từ Úc và các sản phẩm thịt từ Mỹ.

Ngành chăn nuôi trong nước sẽ còn phải đối diện với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của hàng ngoại khi Việt Nam hội nhập sâu hơn kinh tế thế giới và khu vực.

Bên cạnh đó, nhóm tác giả cũng đưa ra dự báo, người tiêu dùng/nhà nhập khẩu sẽ được lợi trong khi người sản xuất/nhà xuất khẩu phần lớn bị thiệt hại do không cạnh tranh được với các mặt hàng từ nước ngoài.

Trước đó, khi được hỏi về việc gia nhập TPP sẽ tác động như thế nào tới ngành chăn nuôi, một chuyên gia ngành chăn nuôi cho rằng, với việc tham gia vào các FTA, nhất là TPP, 90% dòng thuế có thể giảm về 0% và khi đó, ngành chăn nuôi sẽ “tối như đêm 30”, trước mắt là đối diện với việc nhập thịt gia cầm từ Hàn Quốc, sau nữa là các nước TPP rất mạnh về chăn nuôi.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong các trường hợp tự do hóa thương mại, sản lượng của các ngành chăn nuôi đều giảm, ngoại trừ nhóm động vật sống. Trong đó, sản lượng phân ngành thịt các động vật khác (lợn, gia cầm…) bị thiệt hại mạnh nhất cả về phần trăm và giá trị.

Đồng thời, sản lượng giảm cũng khiến cho cầu lao động trong các ngành chăn nuôi giảm rõ rệt, cả đối với lao động phổ thông và lao động có kỹ năng. Tuy nhiên, các nỗ lực tái cấu trúc ngành cần được đẩy nhanh hơn nữa để nâng cao hiệu suất cũng như sức cạnh tranh của ngành.

“Với năng suất thấp và sức cạnh tranh yếu như hiện nay của ngành chăn nuôi, người chăn nuôi gia cầm sẽ bị thiệt hại lớn nhất về sản lượng và phúc lợi” – báo cáo chỉ rõ.

“Chấp nhận hi sinh” cho TPP…

Theo TS. Nguyễn Đức Thành –Viện trưởng VEPR, hiện nay, thuế nhập khẩu nông sản từ các nước ASEAN rất thấp, chỉ 0-5%. Trong khi đó, thuế áp lên các nước như Úc, New Zealand, Nhật Bản vẫn ở mức cao, đặc biệt ở mặt hàng thịt bò, thịt lợn, thịt gia cầm và thịt chế biến.

“Như vậy, sau khi dỡ bỏ toàn bộ hàng rào thuế quan khi gia nhập TPP và AEC, các ngành được bảo hộ bằng thuế quan (đặc biệt là nông nghiệp) sẽ bị tác động mạnh”, ông Thành nhấn mạnh.

Ông Thành cho rằng, bài học trong hội nhập là nếu ngành nào yếu thì nên dẹp bỏ. Bởi nếu cố bám giữ sẽ thiệt thòi mà cũng không đạt kết quả như mong muốn.

Đồng quan điểm với TS. Nguyễn Đức Thành, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, để hội nhập, Việt Nam phải biết chấp nhận từ bỏ một số ngành không có lợi thế vì nhiều ngành khác.

"Từ trước đến nay mình quá tham, cái gì cũng muốn làm, ngành nào cũng đầu tư. Có những ngành đầu tư lớn nhưng cuối cùng phải dẹp bỏ. Hội nhập cũng đặt ra bài toán là chọn ngành nào để đầu tư, phát triển và phải biết từ bỏ một số ngành yếu kém" - bà Lan nói.

Trong khi đó, nhận định về những thách thức ngành chăn nuôi phải đối mặt khi Việt Nam gia nhập TPP, ông Tống Xuân Chinh - Cục Phó Cục Chăn nuôi cho biết, trong hiệp định TPP rõ ràng ngành chăn nuôi Việt Nam chịu tác động tiêu cực nhưng vẫn có những thuận lợi nhất định.

Khi TPP được hình thành, thuế nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp, thiết bị công nghệ... trong ngành chăn nuôi sẽ giảm đáng kể.

Bên cạnh đó, một số phân ngành nhỏ như sữa và các sản phẩm từ sữa, trứng, gà chạy đồi, lợn mán, lợn cắp nách...vẫn có cơ hội phát triển trong TPP do thói quen tiêu dùng của người Việt.

“Ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn đang là sinh kế của gần 10 triệu người nhưng trên 50% ở quy mô nhỏ. Ngành chăn nuôi nên chấp nhận một chút hi sinh để Việt Nam gia nhập TPP, một hiệp định dự kiến sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các ngành kinh tế khác. Trong hội nhập, có ngành hưởng lợi thì phải có ngành bất lợi, không thể được tất cả" – Cục Phó Cục Chăn nuôi chia sẻ.

Nguyệt Quế

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên