MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngành chăn nuôi lo bị “nhấn chìm” bởi TPP?

Sau TPP, dòng thương mại có xu hướng thay đổi theo mức cắt giảm thuế quan, chuyển sang nhập khẩu sữa bột từ New Zealand, trâu bò sống từ Úc và các sản phẩm thịt từ Mỹ. Sản xuất trong nước có xu hướng bị thu hẹp do cạnh tranh đến từ các nước TPP, đặc biệt đối với ngành thịt

Chưa vào TPP đã thua vì đùi gà Mỹ

Câu chuyện đùi gà Mỹ giá “rẻ như rau” được nhập khẩu vào Việt Nam khiến ngành chăn nuôi điêu đứng từng được dư luận hết sức quan tâm trong thời gian qua. Theo chia sẻ của anh Hùng - một nông dân nuôi gà tại xã Thanh Bình, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, gà nhập khẩu với giá siêu rẻ từ Mỹ là nguyên nhân khiến anh “mất trắng” 14.000 USD (tương đương khoảng 300 triệu VNĐ) từ đầu năm đến nay.

“Tôi cho rằng khi hội nhập TPP, người chăn nuôi sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt hơn từ các nước đối thủ và phải chịu áp lực giảm giá nặng nề. Ngay cuộc chiến đùi gà Mỹ chúng tôi đã bị thiệt hại hàng trăm triệu đồng” – anh Hùng cho hay.

Trong khi đó, theo nhận định của hãng tin Bloomberg, cuộc chiến đùi gà là một hồi chuông cảnh báo đối với Việt Nam khi chuẩn bị gia nhập TPP. Một số ngành sẽ bị cạnh tranh gay gắt từ các tập đoàn nước ngoài thuộc các nền kinh tế lớn và có chuỗi cung ứng phức tạp.

“Việt Nam hy vọng khi TPP được ký kết, kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng mạnh do thuế quan của các mặt hàng chủ lực như hải sản, giầy dép, quần áo… về 0%. Tuy nhiên, Việt Nam lại chưa nhận thức hết được những rủi ro song hành cùng cơ hội” - ông Vũ Tú Thành, Trưởng đại diện của Việt Nam tại Hội đồng doanh nghiệp Mỹ - ASEAN chia sẻ.

Còn theo ông Fred Burke, Đối tác quản lý của Công ty Baker & McKenzie Việt Nam, cuộc chiến “đùi gà Mỹ” là dấu hiệu cho thấy ngành nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt với ngành chăn nuôi quy mô nhỏ sẽ không được hưởng lợi nhiều như những ngành khác. Bởi môi trường cạnh tranh sẽ ngày càng khắc nghiệt.

Lo bị “nhấn chìm” bởi TPP?

Theo một báo cáo của Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), tác động của quá trình hội nhập lên ngành chăn nuôi sẽ chủ yếu đến từ việc gia nhập TPP.

“Sau TPP, dòng thương mại có xu hướng thay đổi theo mức cắt giảm thuế quan, chuyển sang nhập khẩu sữa bột từ New Zealand, trâu bò sống từ Úc và các sản phẩm thịt từ Mỹ. Sản xuất trong nước có xu hướng bị thu hẹp do cạnh tranh đến từ các nước TPP, đặc biệt đối với ngành thịt” – báo cáo cho biết.

Trước đó, khi được hỏi về việc gia nhập TPP sẽ tác động như thế nào tới ngành chăn nuôi, một chuyên gia trong ngành cho rằng, với việc tham gia vào các FTA, nhất là TPP, 90% dòng thuế có thể giảm về 0% và khi đó ngành chăn nuôi sẽ “tối như đêm 30” bởi các nước TPP rất mạnh về chăn nuôi.

Còn theo ông Tống Xuân Chinh - Cục Phó Cục Chăn nuôi, trong hiệp định TPP rõ ràng ngành chăn nuôi Việt Nam chịu tác động tiêu cực nhưng vẫn có những thuận lợi nhất định.

Khi TPP được hình thành, thuế nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp, thiết bị công nghệ... sẽ giảm đáng kể. Bên cạnh đó, một số phân ngành nhỏ như sữa và các sản phẩm từ sữa, trứng, gà chạy đồi, lợn mán, lợn cắp nách...vẫn có cơ hội phát triển trong TPP do thói quen tiêu dùng của người Việt.

“Ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn đang là sinh kế của gần 10 triệu người nhưng trên 50% ở quy mô nhỏ. Ngành chăn nuôi nên chấp nhận một chút hi sinh để Việt Nam gia nhập TPP, một hiệp định dự kiến sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các ngành kinh tế khác. Trong hội nhập, có ngành hưởng lợi thì phải có ngành bất lợi. Tuy nhiên tôi tin rằng, nếu có sự chuẩn bị tốt thì sẽ không đáng lo ngại" – Cục Phó Cục Chăn nuôi chia sẻ.

Trong cuộc trao đổi với chúng tôi mới đây, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cũng cho rằng, việc bà con nông dân, đặc biệt là người chăn nuôi lo lắng về áp lực cạnh tranh khi hội nhập là có cơ sở. Bởi khi mở cửa thị trường, chúng ta không thể hạn chế việc tạo điều kiện cho hàng hoá của nước ngoài, trong đó có cả hàng nông nghiệp được xuất khẩu sang Việt Nam.

“Nông nghiệp, mà cụ thể là ngành chăn nuôi chắc chắn sẽ gặp khó khăn bởi đây là lĩnh vực mà chúng ta còn yếu do tính chất sản xuất nhỏ lẻ, phân tán” – Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết.

Theo ông Hoàng, không chỉ riêng trong đàm phán TPP mà kể cả trong các hiệp định khác trước đây, chúng ta bao giờ cũng yêu cầu các nước dành cho Việt Nam một lộ trình tương đối dài để bảo hộ một cách hợp lý những sản phẩm ta còn đang yếu. Sau lộ trình đó, chúng ta sẽ phải vươn lên.

“Trong lĩnh vực chăn nuôi, chúng ta đã thực hiện đúng theo chỉ đạo của chính phủ và trung ương đó là cố gắng lựa chọn, thuyết phục các đối tác. Tuy nhiên, bản thân lộ trình này chưa đủ, chúng ta còn phải cố gắng tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, sẽ có những mô hình sản xuất mới, tập trung hơn, quy mô hơn để có điều kiện áp dụng công nghệ tiên tiến, kỹ thuật hiện đại, qua đó nâng cao năng suất lao động” – Người đứng đầu ngành Công thương chia sẻ.

Trước đó, trong buổi chia sẻ với báo chí ngay sau khi trở về từ vòng đàm phán TPP tại Mỹ tối 6/10, Thứ trưởng Công thương Trần Quốc Khánh cũng nhận định, nông nghiệp, trong đó đặc biệt là ngành chăn nuôi sẽ gặp khó khăn.

“Chúng tôi xin khẳng định chăn nuôi sẽ có ít nhất 10 năm để chuẩn bị trước khi thuế về 0%. Hy vọng trong lúc đó, Việt Nam nỗ lực tái cơ cấu nông nghiệp để sức cạnh tranh lớn lên, chiến thắng trên sân nhà. Không có lý do gì một nước nông nghiệp mà không thắng trong lĩnh vực này” – ông Khánh thông tin.

Hồng Lam

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên