MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngày càng “khó sống” ở nông thôn

Ngay trong cơn “bão giá” như vậy, các chương trình bình ổn giá lại chủ yếu được triển khai ở các tỉnh, thành phố lớn nên người dân nông thôn lại càng bị thiệt thòi.

Dữ liệu của Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra một thực tế, cuộc sống tại nông thôn bị ảnh hưởng nặng nề bởi giá cả và nhiều loại chi phí quan trọng, có liên quan trực tiếp đến chất lượng sống. Mặt khác, trong các nguồn lực cho sản xuất, chỉ có đất đai là “sẵn có” hơn ở nông thôn, nhưng rủi ro bị thu hồi đất nông nghiệp đang khiến nhiều hộ nông dân chịu thêm thua thiệt.

Tại “chợ người” cầu vượt Mỹ Đình, đa số lao động là từ huyện Phúc Thọ (Hà Nội), trong đó nhiều người vẫn ngày ngày đạp xe gần 60 km cả đi và về để kiếm sống. Thiếu việc làm, thu nhập thấp và gánh nặng chi tiêu ngày càng tăng đang khiến những dòng người ngoại tỉnh vẫn cố bám trụ tại nhiều đô thị lớn để mưu sinh.

“Ở làng, 80 - 90% gia đình có người đi làm ăn xa, đi tứ xứ cả. Từ thanh niên đến trung niên, đi hết. Chỉ có người già, trẻ con ở nhà thôi. Nếu mà người ta thuê cả ông già, trẻ con thì có khi cũng đi hết. Phần nhiều là đi phụ hồ, còn lớp đi làm công nhân, lớp thì ra đây đứng chờ việc”, Tổ chức Oxfam từng công bố một nghiên cứu gây sốc về “tác động xã hội của khủng hoảng kinh tế tại Việt Nam”, dẫn lời số lao động nam Nghệ An tại chợ Bưởi (Hà Nội) như vậy.

Theo họ, việc người nông thôn tìm về Hà Nội sinh kế là phổ biến. Cứ người đi làm trước về kể rồi hướng dẫn người đi làm sau. Ở mỗi khu chợ nhiều người là đồng hương, có khi toàn người trong xóm, có cả bố con, anh em... Công việc cần thuê người nhiều nhất thường là những công việc liên quan đến lĩnh vực xây dựng như phụ hồ, đào móng, đóng cọc…

Tiếp theo là việc bốc vác hàng hoá cho các công ty, cửa hàng. Sau đó là các công việc khác cho các gia đình như vận chuyển, khiêng vác đồ đạc, lau dọn nhà cửa, dọn vườn… Trong khó khăn kinh tế, nhu cầu về lao động trong nhiều lĩnh vực giảm đi đáng kể. “Bình thường thì cả tháng chỉ khoảng 10 - 15 ngày có việc thôi”, số lao động tại chợ Bưởi cho hay.

Nghiên cứu của Oxfam chỉ ra rằng, từ cuộc “khủng khoảng” kinh tế năm 2008, giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao, thị trường bất động sản đóng băng… nên rất ít công trình được xây mới. Các công việc liên quan đến lĩnh vực xây dựng vì thế đã giảm mạnh. Trong khi đó, nhiều nhà thầu chuyên nghiệp trang bị máy móc vừa để hạn chế số lượng nhân công, vừa có thể đẩy nhanh tiến độ thi công, nên những lao động phổ thông không chuyên cũng không còn được sử dụng nhiều như trước.

Hàng hoá thì tiêu thụ chậm, nhiều DN đã hạn chế số lượng hàng hoá sản xuất ra nên công việc bốc vác cũng giảm hẳn. Chi phí tiêu dùng, sinh hoạt trong hộ gia đình ngày càng tăng, nhiều người đã giảm hẳn sở thích mua cây cảnh, bàn ghế... nên việc vận chuyển đồ đạc ngày càng ít đi.

Trong bối cảnh đó, nếu trước kia, việc ra thành phố kiếm việc chủ yếu là tại những thời điểm nông nhàn, trái vụ... thì hiện nay, sản xuất nông nghiệp không nuôi nổi khoảng 70% dân số sống dựa vào nó. “Đường về quê” đối với các lao động ngoại tỉnh cũng vì thế trở nên không dễ dàng gì.

Ông Lê Văn Lam - nông dân ở Tân Hồng, Đồng Tháp từng gửi thư lên Chính phủ với nhiều trăn trở rằng, canh tác nông nghiệp không ổn định. Người nông dân luôn phải lao đao với những thay đổi trong cơ cấu sản xuất cây trồng, khi thì đào ao nuôi cá, lúc thì bỏ ruộng trồng bắp… nhưng hầu như không mang lại hiệu quả.

Đất trồng thoái hóa, nhiều sâu hại và bệnh dịch hơn, giá cả thị trường biến động, rủi ro thời tiết bất lợi gia tăng do biến đổi khí hậu… là những vấn đề gây thêm nhiều sức ép đối với những người dân nông thôn mà sinh kế của họ vốn đã bấp bênh. Tiếp cận về đất đai, nguồn nước và rừng ngày càng trở nên căng thẳng và lợi ích thu được từ những nguồn lực này thường không được chia sẻ công bằng. “Đối với nhiều người, chỉ cần thêm một chút sức ép là họ sẽ rơi vào cảnh nghèo đói và thậm chí cùng cực”, Oxfam cho hay.

Dữ liệu của Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra một thực tế, cuộc sống tại nông thôn bị ảnh hưởng nặng nề bởi giá cả và nhiều loại chi phí quan trọng, có liên quan trực tiếp đến chất lượng sống. Chẳng hạn, chỉ số giá tiêu dùng khu vực thành thị vào tháng 1/2013 chỉ tăng 48% so với kỳ gốc năm 2009, nhưng với nông thôn lại tăng tới 49,4%.

Nhưng cách biệt nhiều nhất là ở nhóm thuốc và dịch vụ y tế (60% so với 82,7%) và nhóm giáo dục (65,4% so với 82,4%). Ngay trong cơn “bão giá” như vậy, các chương trình bình ổn giá lại chủ yếu được triển khai ở các tỉnh, thành phố lớn nên người dân nông thôn lại càng bị thiệt thòi.

Trong các nguồn lực cho sản xuất, chỉ có đất đai là “sẵn có” hơn ở nông thôn, nhưng rủi ro bị thu hồi đất nông nghiệp đang khiến nhiều hộ nông dân chịu thêm thua thiệt. Ông Bert Maerten, đại diện Oxfam tại Việt Nam nhìn nhận: “Đất đai là tài sản quan trọng đối với người nghèo, nhóm người yếu thế và cộng đồng. Thu hồi đất nông nghiệp mà không qua một quy trình minh bạch, không đền bù thỏa đáng và không có cơ hội lựa chọn kế sinh nhai thay thế sẽ đẩy người dân quay trở lại nghèo đói, thậm chí lâm vào cảnh cùng cực…”.

Và trong khi nông nghiệp đóng góp đáng kể cho sự ổn định của tăng trưởng kinh tế Việt Nam, trớ trêu là ở nông thôn, người dân có đầy đủ các phương tiện để sản xuất lương thực, nhưng bản thân họ lại là những người thiếu ăn. Có đến 90% người nghèo sống ở khu vực nông thôn.

Nhưng theo lưu ý của Oxfam, tăng trưởng kinh tế không còn tác động nhiều lên giảm nghèo như những giai đoạn trước. Nhiều gia đình ở ngưỡng cận nghèo thường xuyên trong tình trạng thoát nghèo rồi lại tái nghèo. Trong khi đó, các chương trình đầu tư và hỗ trợ khó có thể tiếp cận được đến nhiều người nghèo và chính họ đang phải đối mặt với thách thức khắc nghiệt là bị cô lập, bị tách ra khỏi tiến trình phát triển về mặt kinh tế và xã hội, không có nhiều tài sản, có trình độ giáo dục thấp và tình trạng sức khỏe kém…

“Nông nghiệp và nông thôn phát triển thiếu quy hoạch, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn yếu kém, môi trường ngày càng ô nhiễm; năng lực thích ứng, đối phó với thiên tai còn nhiều hạn chế. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, nhất là vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa; chênh lệch giàu, nghèo giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng còn lớn, phát sinh nhiều vấn đề xã hội bức xúc”.

(Trích Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn)



Theo Anh Quân

Thời báo ngân hàng

thunm

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên