Ngày Xuân ngẫm chuyện “làm ít tiêu nhiều” của người Việt
Năng suất lao động của người Việt ngày càng tụt lại phía sau so với các nước trong khu vực, nhưng mức độ chi tiêu của người Việt lại luôn ở hàng cao so với nhiều nước phát triển trên thế giới.
- 22-01-2016Tổng bí thư: Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế vẫn tồn tại
- 22-12-2015Mơ hồ về Cộng đồng kinh tế ASEAN và nguy cơ tụt hậu của các DN Việt
- 30-11-2015Sự tụt hậu của người Việt: Nghèo nhưng vẫn tiêu hoang?
Tăng trưởng bình quân năng suất lao động đã đạt 4% kể từ sau đổi mới cho đến nay nhờ các chính sách phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tuy nhiên, khoảng cách về năng suất lao động giữa Việt Nam và những nước phát triển và nhóm nước thu nhập trung bình vẫn có khoảng cách lớn.
Khoảng cách thu nhập ngày càng thua xa
Nếu so về giá trị tương đối, khoảng cách về năng suất lao động của Việt Nam so các nước trong khu vực đang dần thu hẹp. Cụ thể, nếu như năm 1986 năng suất lao động của Nhật bản cao gấp 14,6 lần của Việt Nam, thì đến năm 2000 giảm xuống còn 10,3 lần và đến năm 2014 giảm xuống còn 6,24 lần.
Tương tự với Hàn Quốc, năng suất lao động cao gấp 8,7 lần Việt Nam năm 1990 và đến năm 2014 giảm xuống còn 7 lần; Thái Lan từ 3,5 lần giảm xuống còn 2,7 lần. Riêng với Trung Quốc năng suất lao động bị tụt lại phía sau. Nếu như năm 1986 năng suất lao động của Trung Quốc chỉ bằng 1,1 lần của Việt Nam thì đến năm 2014 đã cao gấp 2,7 lần của Việt nam và gần như bắt kịp với Thái Lan.
Thế nhưng xét về giá trị tuyệt đối thì năng suất lao động của Việt Nam đang ngày càng bị tụt lại phía sau so với những nước trong khu vực. Cụ thể, năm 1986 năng suất lao động bình quân của Nhật Bản cao hơn Việt nam 28.783,7 USD, thì đến năm 2014 con số này tăng lên 37,708,6 USD.
Với Hàn Quốc, năng suất lao động tuyệt đối cao hơn Việt Nam từ 14.533,5 USD năm 1986 lên 41.128,9 USD năm 2016; của Thái Lan tăng từ 4.473,7 USD tăng lên 11.684,2 USD; Trung Quốc từ 145.6 USD tăng lên 1.0616,5 USD.
Một điều đáng suy ngẫm là nếu như với các nước phát triển trong khu vực, đóng góp vào năng suất lao động chủ yếu nhờ công nghệ, sự sáng tạo, kỹ năng của người lao động thì ở Việt Nam, đóng góp chủ yếu từ chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Th.S Lê Văn Hùng, chuyên gia kinh tế của Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng đây là nguyên nhân khiến cho tốc độ tăng năng suất bình quân lao động hàng năm của Việt Nam thấp hơn nhiều so với nhiều nước.
Điều này đồng nghĩa, thu nhập của người Việt dù đã tăng lên rất nhiều nhưng vẫn ở mức khá thấp và có khoảng cách khá xa so với nhiều nước trong khu vực. Chất lượng nguồn nhân lực hiện vẫn được xem là nút thắt quan trọng kìm hãm đà tăng trưởng năng suất lao động ở Việt Nam. Nguyên nhân là do tỷ lệ qua đào tạo hiện ở mức khá thấp và tốc độ gia tăng khá chậm.
Trong khi khả năng làm ra tiền của người Việt có hạn, và còn thấp kém so với khu vực, thì mức độ chi tiêu của người Việt lại rất đáng suy ngẫm. Liên tục bội chi ngân sách trong nhiều năm nay, Việt Nam dành khoản chi ngân sách nhiều nhất cho chi thường xuyên, tạo nên thâm hụt ngân sách khá lớn.
Nhiều cái "nhất" đáng buồn
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là có những khoản chi không phù hợp, có phần lãng phí như hàng năm chi tới gần 13.000 tỷ đồng cho 40.000 xe công; đầu tư hàng chục nghìn tỷ cho các công trình, dự án không cần thiết như trụ sở hoành tráng, tượng đài…; chi cho các hoạt động lễ hội, khánh tiết, công tác nước ngoài…
Người Việt cũng được xếp vào hàng “nhất” ở nhiều lĩnh vực, song đáng buồn đây lại là những lĩnh vực không đáng được nhất. Mỗi năm chi ra tới 3 tỷ USD cho bia, rượu, người Việt uống bia nhiều nhất trong khu vực ASEAN và đứng thứ ba thế giới về tiêu thụ sản phẩm này.
Mức độ chi tiêu này bằng cả thu nhập của ngành lúa gạo, vốn là ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với 3 tỷ USD xuất khẩu mỗi năm. Như vậy, công sức của hơn 50 triệu người nông dân lăn lộn ngoài đồng cũng chỉ bằng mức chi tiêu của người Việt dành cho bia rượu.
Không chỉ “ăn nhậu” nhiều, người Việt đang ngày càng chi tiêu nhiều hơn cho các dịch vụ, sản phẩm xa xỉ. Hàng tỷ USD được “đốt” mỗi năm để mua sắm xe sang đắt tiền. Những dòng xe như Porsche có giá bán từ 3 – 10 tỷ đồng/năm được người Việt bạo tay chi tiêu trong năm 2015, khi có tới hơn 230 chiếc được bán ra.
Tương tự, dòng xe Mercedes-Benz cũng cho biết mức tiêu thụ lên tới 3.600 chiếc, tăng tới 50% so với năm trước. BMW hay Audi, Lexus… cũng đều là những dòng xe sang có mức tăng trưởng khá ấn tượng. Thị trường xe sang ở Việt Nam năm 2015 đã chạm mốc gần 7.000 xe, so với mức trung bình của những năm trước khoảng 4.000 – 5.000 xe/năm.
Với các mặt hàng xa xỉ, Việt Nam đang dần trở thành điểm đến là kinh đô tiêu thụ các mặt hàng xa xỉ của thế giới. Nhiều thương hiệu nổi tiếng như các loại mặt hàng túi xách cao cấp, đồng hồ, giày dép, thời trang, mỹ phẩm… Nhiều sản phẩm hàng xa xỉ có trị giá hàng trăm triệu USD đã được các tay chơi của Việt Nam sở hữu.
Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng hơn vào sân chơi thế giới, mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam vươn mình, và người Việt có nhiều cơ hội hơn để khẳng định vị thế trên trường quốc tế. Người Việt có thể chi tiêu nhiều hơn khi nhu cầu cuộc sống ngàng càng nâng lên, nhưng trước hết người Việt cần chuẩn bị cho mình một hành trang vững chắc, để có thể kiếm tiền nhiều hơn trong cuộc sống.