Nghịch lý!
Theo Hiệp hội thức ăn chăn nuôi, hàng năm VN phải nhập khẩu hơn 8 triệu tấn nguyên liệu với tổng kim ngạch trên 3 tỉ USD để sản xuất ra khoảng 15,5 triệu tấn thức ăn chăn nuôi.
Thử làm một phép so sánh, xuất khẩu gạo mỗi năm của Việt Nam khoảng 3,4 tỉ USD trong khi nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như bắp, lúa mì, đậu nành, bột cá… lên tới hơn 3 tỉ USD. Trong bối cảnh gạo xuất khẩu giá thấp nhất thế giới người trồng lúa không có lãi, còn ngành chăn nuôi thì bên bờ vực phá sản vì giá thành sản xuất cao hơn giá thị trường chấp nhận một số kiến nghị cho rằng nên đưa lúa gạo vào sản xuất thức ăn chăn nuôi ?! Thế nhưng đó cũng mói chỉ là ý tưởng và thực trạng mất cân đối giữa xuất- nhập nông sản có thể sẽ còn tăng nếu như không có những giải pháp và thực thi quyết liệt.
Bởi, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm 2013 cả nước nhập khẩu 1,21 tỉ USD nhóm hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu, tăng 48,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiệp hội TACN VN cho biết, đa số đơn vị nhập khẩu nhóm hàng này thuộc về các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Nguồn nguyên liệu trong nước không đáp ứng được yêu cầu và phụ thuộc lớn vào nguồn nhập khẩu dẫn đến nghịch lý trong khi giá thực phẩm rớt 30 - 50%, các hộ chăn nuôi phải bán dưới giá thành thì giá TACN bán cho nông dân vẫn tăng khoảng 1.500 đồng/kg.
Thực tế trên không chỉ khiến các cơ sở chăn nuôi có quy mô mà rất nhiều các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ buộc phải treo chuồng hoặc giảm đàn.
Hệ quả tất yếu là doanh thu của các DN sản xuất TACN trong nước giảm sút từ 30 - 50%, trong đó đã có hơn 40 DN khai tử.
Theo đánh giá của các chuyên gia, khó khăn của các DN sản xuất TACN trong nước lại chính là cơ hội để các DN chăn nuôi FDI, với tài và lực mạnh, có cơ hội đẩy mạnh phát triển để giành thêm thị phần.
Hiệp hội TACN VN cho biết, đa số đơn vị nhập khẩu nhóm hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu từ đầu năm đến nay thuộc về các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Chính vì thế, dễ hiểu là lượng TACN nhập khẩu với số lượng lớn tập trung vào các DN FDI với quy mô nuôi công nghiệp này. Ngoài ra, các Cty chăn nuôi FDI cũng tăng cường nhập khẩu nguyên liệu TACN từ Cty mẹ để tiết kiệm chi phí, giảm giá thành sản xuất trong 6 tháng đầu năm cũng là nguyên nhân khiến nhập khẩu mặt hàng này tăng mạnh.
Số liệu thống kê cho thấy, hiện chỉ có 15 DN FDI và liên doanh nhưng đã sở hữu tới 44 nhà máy, sản xuất trên 7,15 triệu tấn thức ăn hỗn hợp quy đổi mỗi năm. Theo Hiệp hội TACN, năm 2012, 15 DN FDI này chiếm khoảng 56% thị phần TACN. Tuy nhiên chắc chắn sẽ còn cao hơn nữa trong năm nay.
Thua bởi chỉnh lợi thế cạnh tranh của mình trên sân nhà tưởng chừng như là một một nghịch lí nhưng với những con số thống kê ở trên đã phản ảnh đúng thực trạng năng lực sản xuất yếu kém của ngành nông nghiệp trong nước. Phải chăng thêm một lời cảnh báo!
Theo Phan Nam