Người Việt chi 1 tỷ USD ra nước ngoài chữa bệnh trong năm 2015
Trong năm 2015, có đến 40.000 người Việt Nam ra nước ngoài để điều trị, tương đương với 1 tỷ USD đã được rót ra nước ngoài để phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe.
- 24-01-2016Ngành y phải coi người đến khám chữa bệnh là thượng đế
- 29-12-2015Từ ngày 1/1/2016: Không còn giới hạn nơi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế
- 07-12-2015Phí dịch vụ y tế tăng, người dân "đánh vật" với việc chữa bệnh
Theo Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), xu hướng này cho thấy rõ sự cần thiết của việc đáp ứng đầy đủ nhu cầu y tế của người dân tại Việt Nam, thông qua việc nâng cao chất lượng bệnh viện, tuyển dụng đội ngũ cán bộ y tế có trình độ và thay thế các thiết bị y tế.
Với dân số trên 90 triệu người, tầng lớp trung lưu đang ngày một gia tăng nhanh chóng và tốc độ tăng trưởng kinh tế đầy triển vọng trong những năm tới, do đó EuroCham cho rằng thị trường thiết bị y tế tại Việt Nam sẽ tiếp tục còn mở rộng.
Bên cạnh đó, cùng với tiến trình hội nhập ngày càng sâu rộng vào thị trường quốc tế với việc ký kết một số hiệp định thương mại như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), chi tiêu y tế tại Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng.
“Các cơ quan chức năng của Việt Nam nhận thức rõ cần phải nâng cấp và hiện đại hóa mạnh mẽ hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng và đã bổ sung ngân sách cho lĩnh vực này. Tuy nhiên, hiện vẫn còn vấn đề tồn đọng như nhiều bệnh viện không có đủ đội ngũ nhân viên có chuyên môn và các thiết bị y tế hiện nay đã cũ” – Sách trắng 2016 đánh giá.
Giá trị thị trường thiết bị y tế đã đạt 465,4 triệu USD và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng đạt mức 1,4 tỷ USD vào năm 2018. Theo EuroCham, đây là thị trường quan trọng của các doanh nghiệp châu Âu vì Việt Nam hiện đang nhập khẩu tới hơn 90% các thiết bị y tế từ các doanh nghiệp này.
Ngoài ra, Việt Nam cũng khuyến khích thị trường thiết bị y tế phát triển vì sản xuất trong nước không thể đáp ứng nhu cầu của hệ thống chăm sóc sức khỏe quốc gia. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 50 doanh nghiệp sản xuất 600 sản phẩm được Bộ Y tế cấp phép chính thức.
Năm 2013, các thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Singapore chiếm trên 50% các sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam đang hướng tới mục tiêu trở thành địa điểm sản xuất các sản phẩm với chi phí thấp. Bởi vậy, các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam đang ngày một gia tăng, trong đó thị trường Hoa Kỳ chiếm 24,3% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2013.
Do đó, EuroCham cho rằng để tiếp tục nâng cao sức khỏe người dân và tăng cường khả năng tiếp cận tới các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, Việt Nam cần giải quyết một số vấn đề sau đây. Đồng thời kiến nghị cần thiết phải ban hành một văn bản quy định về quản lý trang thiết bị y tế nhằm xây dựng một hành lang pháp lý cho Việt Nam trong việc nhập khẩu, sản xuất và lưu hành sản phẩm này.