MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nguy cơ lạm phát 2014 nằm ở chính sách tài khóa

Nguy cơ lạm phát của Việt Nam ngay trong năm 2014 sẵn sàng bùng lên bất cứ lúc nào nếu điều hành chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ không cẩn trọng.

Trước những đề nghị làm sao để tăng trưởng tín dụng diễn ra ngay từ đầu năm, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho rằng, việc phối hợp với chính sách tài khóa (CSTK) để tổng đầu tư của nền kinh tế cân bằng trong cả năm mới là quan trọng, vì nguy cơ lạm phát năm 2014 nằm ở CSTK.

Trong mục tiêu NHNN đặt ra cho năm 2014 thấy nhấn mạnh cụm từ “gắn kết chặt chẽ với CSTK”. Đây là điểm mới so với hàng chục năm trước đây. Theo thông lệ, chính sách tiền tệ (CSTT) về cơ bản phải đảm bảo tính độc lập với CSTK để ổn định giá trị đồng tiền, nhưng trong bối cảnh Việt Nam thì việc phối hợp nhịp nhàng hai chính sách này là rất cần thiết.

Để kiềm chế lạm phát, NHNN cần phối hợp với Bộ Tài chính để “đóng/mở” nhịp nhàng hai “van” (đầu tư công và tín dụng NH) bơm tiền vào nền kinh tế. Nếu 2 van cùng mở, nền kinh tế ứ tiền, gây lạm phát. Nếu hai van đóng, thiếu tiền, thiểu phát, ngừng trệ sản xuất-kinh doanh.

Đóng/mở thế nào để ổn định giá trị đồng tiền, kiểm soát lạm phát và góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là điều Thống đốc Nguyễn Văn Bình luôn canh cánh. Theo Thống đốc, muốn nền kinh tế tăng trưởng ổn định thì đầu tư phải ổn định, phải phối hợp với CSTK để tổng đầu tư của nền kinh tế cân bằng trong cả năm.

NHNN dự báo, trong bối cảnh kinh tế đầu năm 2014, tín dụng NH sẽ khó đẩy ra, vì vậy đầu tư công phải đẩy mạnh lên, đến cuối năm tín dụng ra được thì đầu tư công bắt đầu lại thấp xuống để cho mức đầu tư chung đều đặn trong cả năm.

Đến nay, các dự báo về mức cầu vốn tín dụng ngân hàng năm 2014 vẫn còn dè dặt, NHNN đang hy vọng với sự ổn định ngày càng tốt hơn của nền kinh tế thì tín dụng sẽ có thể tăng vào ngay quý III. Từ thời điểm đó, CSTK sẽ rút tiền xuống (hay là giảm đầu tư) để cho cân bằng tiền cho nền kinh tế, còn hiện nay, tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm đang ở mức âm. Để giải quyết vốn dư thừa tạm thời, các NHTM dành khá nhiều tiền để mua TPCP.

Nguy cơ lạm phát của Việt Nam ngay trong năm 2014 sẵn sàng bùng lên bất cứ lúc nào nếu điều hành CSTK và CSTT không cẩn trọng. Nhiều ý kiến cho rằng, nguy cơ lạm phát nằm ở CSTK vì năm nay, Việt Nam đưa mức thâm hụt ngân sách lên 5,3%, có nghĩa tương ứng với một lượng TPCP phát hành ra là 400 nghìn tỉ (trong đó khoảng 100 nghìn tỉ là trái phiếu nước ngoài; khoảng 300 nghìn tỉ là trái phiếu trong nước).

Đáng chú ý, trong 300 nghìn tỉ có khoảng hơn 100 nghìn tỉ là để trả nợ cũ (chủ yếu trả lại các NH nên lượng tiền trong nền kinh tế không thay đổi), phần còn lại phát hành mới (có nghĩa là có 200 nghìn tỉ đồng tăng thêm vào nền kinh tế).

Hiện nay, NHNN luôn theo dõi rất sát khoản tiền này vì số lượng lớn lại bơm ra lưu thông trong thời gian ngắn. Các đơn vị chức năng của NHNN phải theo dõi chặt chẽ tình hình mua TPCP, tín phiếu KBNN, tín phiếu NHNN để cập nhật kịp thời tình hình nắm giữ trái phiếu của các NHTM phục vụ cho công tác điều hành của NHNN.

Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình: “Mặc dù room là 5,3% thật, nhưng mục tiêu tối quan trọng là ổn định nền kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát nên không thể "tham bát bỏ mâm".

Đến một thời điểm nào đó mà NHNN thấy nếu đẩy đầu tư công ra nữa có thể gây lạm phát thì sẽ chỉ đạo các NHTM dừng mua trái phiếu và đề nghị Bộ Tài chính không phát hành nữa. Nếu sự phối hợp không nhịp nhàng, vì một lý do nào đó Bộ Tài chính vẫn phát hành, thì lúc đó NHNN buộc phải tăng lãi suất để rút tiền về” - ông Bình cho biết.

Theo Lan Hương

thunm

Báo lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên