MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà thầu Trung Quốc làm đường ống nước Sông Đà 2: Điều gì ẩn sau sự "ham rẻ"?

“Có cái gì không phải chỉ ham rẻ mà còn đằng sau đó không? Có lợi ích nhóm trong đó không? Cử tri đặt câu hỏi...” ông Lê Như Tiến – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên – thiếu niên và Nhi đồng nêu vấn đề.

ĐBQH Lê Như Tiến – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên – thiếu niên và Nhi đồng, ĐBQH tỉnh Quảng Trị đặt câu hỏi xoay quanh chuyện đường ống nước sạch Sông Đà 2 chọn nhà thầu Trung Quốc với giá bỏ thầu rẻ hơn 10% so với giá phê duyệt.

Bên hành lang Quốc hội sáng 24/3, ĐB Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng đã bày tỏ không ít sự băn khoăn.

Ông kể, vừa qua khi đi tiếp xúc cử tri, nhiều ý kiến đặt câu hỏi về chuyện tại sao nhiều công trình xây dựng trọng điểm lại chỉ chọn những nhà thầu Trung Quốc.

“Có cái gì không phải chỉ ham rẻ mà còn đằng sau đó không? Có lợi ích nhóm trong đó không? Cử tri và người dân đã đặt các câu hỏi như thế?" - ông Tiến nói.

Nhắc lại bài học “đắt giá” từ dự án đường sắt trên cao ở Hà Nội, tuyến Hà Đông – Cát Linh đội vốn lên 100%, kéo dài thời gian từ năm này qua năm khác, giọng ông trầm buồn: “Không hẳn do kinh tế khó khăn nên chúng ta ham rẻ mà ở đây là do tầm nhìn hạn chế. Ở đây, chúng ta thấy rẻ trước mắt đấy nhưng liên tục phải bỏ vốn thêm ra 2, 3 lần như thế.

Hoặc lẽ ra có thể sử dụng công trình cả trăm năm thì chỉ trong vòng vài năm đã hỏng, chúng ta lại tiếp tục đập đi làm lại thì tốn kém hơn rất nhiều. Cho nên cần có tầm nhìn xa hàng trăm năm và không nên chỉ tập trung vào một nhà thầu mà đã đấu thầu cần lựa chọn nhiều nhà thầu có năng lực.

Riêng với dự án đường ống nước Sông Đà, ĐB Tiến đánh giá, đây không những là công trình xây dựng quan trọng mà còn là công trình đảm bảo dân sinh cho người dân.

Vị ĐBQH tỉnh Quảng Trị quả quyết, “Cái chúng ta quan tâm là chất lượng còn không phải bỏ thầu thấp rồi trong quá trình làm chúng ta lại rơi vào thế đã “cưỡi lên lưng hổ” rồi không thể xuống được. Khi công trình dang dở, đình trệ, chậm tiến độ chúng ta lại phải bỏ thêm vốn để làm”

“Nếu chẳng may vừa đưa vào dùng lại xảy ra vỡ liên tục, gây thiếu nước cho người dân thì điều gì sẽ xảy ra đây? Không chỉ là lãng phí, mất tiền của mà hơn thế lòng tin của người dân sẽ mất", ông Tiến nhấn mạnh.


Đường ống nước Sông Đà 1 liên tục vỡ khiến hơn 70.000 người dân khổ sở vì thiếu nước sinh hoạt

Đường ống nước Sông Đà 1 liên tục vỡ khiến hơn 70.000 người dân khổ sở vì thiếu nước sinh hoạt

Ông đề nghị, “người có trách nhiệm trong việc quyết định thầu phải hết sức cẩn trọng, vì dân, vì nước nhiều hơn chứ đừng vì bỏ thầu thấp hay gì đó đằng sau”.

Đối với tất cả các công trình vì giá bỏ thầu thấp, nếu sau này để xảy ra sự cố nghiêm trọng thì phải đi ngược lại tìm trách nhiệm của các cá nhân có liên quan”.

Chính vì vậy, những người quyết định phải rất quan tâm đến năng lực, chất lượng còn nếu để cho nhiều công trình như đường sắt trên cao ở Hà Nội thì chỉ có gây tốn kém, lãng phí của dân, của nước và thực chất đó là tiền thuế của dân.

Thêm vào đó, như đường ống nước sông Đà đầu tiên vừa qua liên tục gặp sự cố, cứ vỡ xong lại vỡ, khiến hàng chục, trăm nghìn người dân phải lao đao, bất ổn.

Theo Trường Giang

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên