Nhập siêu sẽ sớm tăng tốc
Cần cảnh báo khả năng chúng ta thêm một lần nữa rơi vào cảnh trớ trêu: tăng tốc nhập khẩu khi giá tăng và hạn chế tối đa nhập khẩu khi giá thế giới ở mức đáy.
Trước hết, các số liệu thống kê cho thấy, với ước tính 5,9 tỷ USD trong tháng 5 vừa qua, tuy tăng khá mạnh so với tháng 4 (8,14%) và là tháng thứ ba liên tiếp nhập khẩu tăng khá (tháng 3 tăng 20,01%; tháng 4 tăng 8,17%), nhưng với tổng kim ngạch nhập khẩu ước chỉ mới đạt 23,985 tỷ USD.
Cho dù đã giảm, nhưng “đoàn tàu nhập khẩu” của nước ta vẫn còn “chạy giật lùi” tới 37% so với cùng kỳ năm 2008 (nhập khẩu tháng 1 giảm kỷ lục 55,21%; hai tháng giảm 44,5%; ba tháng giảm 41,3% và bốn tháng giảm 40,2%).
Do vậy và do kim ngạch xuất khẩu năm tháng qua ước cũng chỉ
mới đạt 22,857 tỷ USD, cho nên kim ngạch nhập siêu chỉ mới ở mức 1,128 tỷ USD
và tỷ lệ nhập siêu cũng chỉ mới là 4,94%.
Đây rõ ràng là những con số hết sức khiêm tốn, bởi cùng kỳ năm 2008 nhập siêu ở thời điểm này đã đạt tới 13,546 tỷ USD và tỷ lệ nhập siêu cũng lên tới 55,23%.
Trong khi đó, cho tới thời điểm này năm 2008, nhập khẩu đã liên tục tăng tốc: tháng 1 tăng 66,2%; hai tháng tăng 68,2%; ba tháng tăng 71,4%; bốn tháng tăng kỷ lục 73,5%, còn đến tháng 5 thì phải nhờ một loạt biện pháp can thiệp “đoàn tàu nhập khẩu” mới bắt đầu giảm tốc, nhưng vẫn còn cao ngất ngưởng 66,4%.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất ở đây là, cho dù mức độ
giật lùi đã giảm dần như nói trên, nhưng liệu mức độ giảm nhập khẩu như vậy đã
có thể coi là hợp lý? Câu trả lời có lẽ là chưa, bởi hai lẽ chủ yếu sau đây:
Trước hết, cho dù tốc độ tăng trưởng kinh tế năm tháng đầu năm nay là thấp so với cùng kỳ năm 2008, nhưng điều đó không có nghĩa là đã giảm mạnh khiến “đoàn tàu nhập khẩu chạy giật lùi” với tốc độ lớn như vậy, mà vẫn tăng, cho dù tốc độ tăng chắc chắn cũng rất thấp.
Và ngược lại, cho dù tốc độ tăng trưởng kinh tế cùng kỳ năm 2008 cao hơn gấp đôi so với hiện nay, nhưng điều đó cũng không có nghĩa là tốc độ tăng nhu cầu sử dụng nguyên liệu cao đến mức khiến “đoàn tàu nhập khẩu” phải tăng tốc tới mức chưa từng có như vậy (kỷ lục 23 năm đổi mới là tăng 54,45% vào năm 1993).
Hiển nhiên, trong hai bức tranh đối lập nhau hoàn toàn này,
yếu tố giá cả giữ vai trò rất quan trọng. Đó là, nếu so với tháng 12/2007, giá
nguyên liệu thế giới tháng 1/2008 tăng 3,7%, còn bốn tháng tiếp theo lần lượt
tăng 9,4%; 15,7%; 21,0% và 30,1%.
Thế nhưng, tình hình trong năm tháng đầu năm phức tạp hơn nhiều, bởi cùng so với tháng 12/2008, thì tháng 1 tăng 3,9%; tháng 2 giảm 0,2%; tháng 3 chỉ tăng 1,9%; nhưng tháng 4 đã tăng 6,3%, còn tháng 5 vừa qua đã tăng 16,6%.
Như vậy, trong cùng kỳ năm 2008, rõ ràng là giá nguyên liệu đã giữ vai trò “khuyếch đại” tốc độ tăng nhập khẩu lên rất lớn, còn năm tháng đầu năm nay thì vai trò đó đã giảm rất đáng kể, thậm chí còn có tác dụng “thu nhỏ”.
Do vậy, câu hỏi đặt ra là, trong điều kiện giá nguyên liệu thế giới không còn làm “méo mó” tốc độ nhập khẩu như vậy, mà nhu cầu nguyên liệu vẫn tăng, tốc độ nhập khẩu lại giảm quá mạnh, thì có nghĩa là nhu cầu của nền kinh tế chỉ có thể được đáp ứng nhờ nguồn nguyên liệu tồn kho rất lớn được nhập khẩu từ khi giá nguyên liệu thế giới còn cao ngất ngưởng trong năm 2008 và có nhiều khả năng nguồn đó hiện đã cạn. Bằng chứng là nhập khẩu đã tăng mạnh trở lại trong tháng 4 và 5 vừa qua.
Tất cả những điều nói trên có nghĩa là, các doanh nghiệp nước ta đã nhập khẩu nguyên liệu quá lớn với giá cao trong năm 2008, còn trong bốn tháng gần đây (từ tháng 12/2008 đến hết quý I vừa qua), khi giá nguyên liệu thế giới chỉ quanh quẩn ở mức đáy, thì lại giảm nhập khẩu quá mạnh.
Đây có lẽ chính là nguyên nhân chủ yếu khiến cho giá cả hàng hóa trong nước trong thời gian qua chỉ giảm “tượng trưng” mặc dù giá nguyên liệu thế giới đã rơi tự do trong một khoảng thời gian không ngắn.
Không những vậy, việc giảm mạnh nhập khẩu trong những tháng
giá nguyên liệu thế giới nằm ở mức đáy vừa qua đương nhiên sẽ khiến các doanh
nghiệp nước ta sẽ phải đẩy mạnh nhập khẩu trong những tháng tới.
Cho dù đến thời điểm này có lẽ vẫn chưa có ai dám khẳng định khi nào giá nguyên liệu thế giới sẽ tăng mạnh trở lại, nhưng có lẽ chỉ cần thông tin kinh tế thế giới chạm đáy hồi tháng 4 vừa qua là cũng đủ để kích giá tháng 5 vừa qua tăng gần 10% so với tháng 4 trước đó, cho nên rất có thể xu thế này sẽ còn tiếp tục trong những tháng tới.
Rõ ràng, nếu kịch bản này xảy ra, không chỉ chúng ta đã bị vuột mất “cơ hội vàng” nhập khẩu nguyên liệu giá “bèo” trong thời gian qua, mà còn đang đứng trước triển vọng phải tăng tốc nhập khẩu trong điều kiện giá nguyên liệu tăng mạnh trong những tháng tới và điều này cũng đồng nghĩa với triển vọng nhập siêu sẽ sớm tăng tốc trở lại.
Theo Nguyễn Đình Bích
Tổ quốc